Nhà vẫn ngang nhiên mọc lên
Trở lại khu vực kênh Tám Út (nằm phía sau đường Tạ Uyên, phường 9, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), chúng tôi thấy nhiều căn nhà xây dựng trái phép trong khu dân cư vẫn còn tồn tại. Khu vực này là một “điểm nóng” san lấp mặt bằng, tách thửa đất trồng lúa nằm trong quy hoạch, buôn bán và xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Vào năm 2017, UBND TP Cà Mau đã tiến hành thanh tra và phát hiện nhiều sai phạm, đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và đất đai tại đây. Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, số nhà xây dựng trái phép vẫn mọc lên ngày càng nhiều so với trước. Vì vậy, sau thời điểm thanh tra, tình trạng xây nhà trái phép vẫn gia tăng.
Tương tự, tại tỉnh Bạc Liêu, những khu dân cư tự phát cũng diễn biến phức tạp. Nhiều người dân tự ý san lấp mặt bằng, phân lô bán nền và xây dựng nhà trái phép. Qua rà soát, hiện trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 16 khu dân cư tự phát với tổng diện tích đất trên 63.710m², tập trung nhiều nhất ở TP Bạc Liêu (với 10 khu). Điển hình là hộ ông Dương Minh Trọng (phường 1, TP Bạc Liêu), có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 1.001m², tách thành 9 thửa đất; hộ ông Lê Kỳ Nam (phường 5) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 12.000m², lập thủ tục tách thành 39 thửa đất; hộ ông Trần Quốc Sử (phường 5) có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 5.703m², lập thủ tục tách thành 37 thửa đất; hộ ông Mã Kiệt Vũ (phường 5) được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 10.000m², lập thủ tục tách thành 40 thửa đất…
Một trong những “điểm nóng” về khu dân cư tự phát là TP Cần Thơ. Từ năm 2018, sau khi phát hiện trên địa bàn quận Bình Thủy, Cái Răng và Ninh Kiều có hơn 110 khu dân cư tự phát, UBND TP Cần Thơ chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Tuy nhiên, đến tháng 6-2019, khi UBND TP Cần Thơ quyết định thành lập Tổ công tác tham mưu, xử lý khu dân cư trái phép trên địa bàn 3 quận này, qua kiểm tra lại phát hiện thêm 30 khu dân cư trái phép mới. Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng TP Cần Thơ “chữa cháy” bằng cách tiến hành cho rà soát, đối chiếu lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng… để có hướng xử lý. Tuy nhiên, đối với những khu dân cư không phù hợp với quy hoạch thì đến nay việc xử lý vẫn chưa dứt điểm và gặp nhiều khó khăn.
Qua xác minh của cơ quan chức năng các tỉnh, thành ĐBSCL cho thấy, các khu dân cư tự phát chủ yếu mọc trên đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm và đất nuôi thủy sản. Trong khi đó, một số nơi chính quyền địa phương chưa chủ động nắm địa bàn, thiếu quyết liệt trong kiểm tra, xử lý và ngăn chặn ngay từ đầu các công trình xây dựng vi phạm; để người dân tiến hành xây dựng, đến khi công trình hoàn thành mới xử lý. Vì vậy, gặp khó khăn trong cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm.
Xử lý người đứng đầu
Theo đánh giá của cơ quan chức năng ở ĐBSCL, nguyên nhân hình thành các khu dân cư tự phát là do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu nhà ở của người dân tăng cao. Trong khi đó, nhiều người có thu nhập thấp, không có khả năng mua nền hoặc nhà tại các khu đô thị… vì vậy họ đành mua nền đất giá rẻ. Thế là, nhiều người có đất tiến hành san lấp mặt bằng, phân lô bán nền cho các đối tượng này.
Đặc điểm chung của các khu dân cư tự phát là chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước, cây xanh, hệ thống chữa cháy, không tuân thủ về mật độ xây dựng, không đảm bảo sử dụng lâu dài… Ông Lê Tuấn Hải, Chủ tịch UBND TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), cho biết, qua rà soát trên địa bàn có 137 hẻm tự mở, với 2.150 hộ. Trong thời gian tới, TP Cà Mau kiên quyết xử lý không để phát sinh nhà trong các hẻm tự mở, áp dụng cưỡng chế; thông báo cho các đơn vị như điện, nước không cung cấp cho các công trình vi phạm. “TP Cà Mau đã rà soát, trình UBND tỉnh các phương án xử lý. Thời gian qua, có nhiều cán bộ địa chính, chủ tịch và phó chủ tịch xã, phường… bị xử lý kỷ luật liên quan đến các vấn đề này”, ông Lê Tuấn Hải nói.
Tình trạng hình thành các khu dân cư tự phát cũng “nóng” tại kỳ họp HĐND tỉnh Bạc Liêu. Mới đây, khi trả lời chất vấn, ông Huỳnh Quốc Ca, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận: “Các tổ chức, cá nhân thuộc cơ quan chuyên môn cấp huyện được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, xây dựng tại địa phương buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm từ việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất lúa thành đất ở, không phù hợp quy hoạch xây dựng, không đảm bảo hạ tầng kỹ thuật… là chưa đúng quy định pháp luật”. Cũng liên quan đến 16 khu dân cư tự phát trên địa bàn, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, UBND tỉnh đã giao thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra; dự thảo kết luận đã có, trong đó đề nghị xử lý rất nhiều người đứng đầu. UBND tỉnh Bạc Liêu sẽ cương quyết xử lý, lập lại trật tự trong xây dựng, nhất là các khu dân cư tự phát.