Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: Đồng chí NGUYỄN ĐỨC TÂM (tên khai sinh là Nguyễn Đức Kiêm)
Đồng chí NGUYỄN ĐỨC TÂM
(tên khai sinh là Nguyễn Đức Kiêm) sinh ngày 28-7-1920; quê quán xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; thường trú tại số nhà 68, phố Phan Đình Phùng, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội; tham gia cách mạng năm 1937, vào Đảng tháng 3-1944; nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa V, VI; Đại biểu Quốc hội các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Ủy viên Ủy ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội các khóa V, VI; nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh; nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, các giáo sư, bác sĩ và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, song do bệnh hiểm nghèo, đồng chí đã từ trần hồi 3 giờ 27 phút ngày 29-7-2010 (tức ngày 18-6 năm Canh Dần), tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hưởng thọ 91 tuổi.
Thông báo
Lễ viếng và Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Đức Tâm
Linh cữu đồng chí Nguyễn Đức Tâm quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ viếng bắt đầu từ 8 giờ 15 phút đến 11 giờ 45 phút ngày 1-8-2010 tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào hồi 11 giờ 55 phút cùng ngày.
An táng đồng chí Nguyễn Đức Tâm tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
BAN LỄ TANG
Với trên 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Nguyễn Đức Tâm theo nghi thức lễ tang cấp Nhà nước.
Ngày 30-7, Ban lễ tang đồng chí Nguyễn Đức Tâm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã được thành lập. Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng ban.
Tóm tắt tiểu sử đồng chí NGUYỄN ĐỨC TÂM
Đồng chí Nguyễn Đức Tâm (tên khai sinh: Nguyễn Đức Kiêm), sinh ngày 28-7-1920; quê quán xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình; tham gia hoạt động cách mạng năm 1937, vào Đảng tháng 3 năm 1944.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống yêu nước, từ nhỏ đồng chí làm liên lạc cho cơ sở cách mạng ở xã, năm 1938 - 1939 tham gia tổ chức thanh niên học sinh, thanh niên phản đế.
Năm 1940, đồng chí tham gia tổ chức Nông hội và phụ trách phong trào phụ nữ xã; vận động quần chúng biểu tình kỷ niệm Xô-viết Nghệ Tĩnh (12-9-1940) ở Thái Bình, bị địch bắt, kết án 10 năm tù khổ sai qua các nhà tù Thái Bình, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình.
Tháng 3-1944, đồng chí được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Nhà tù Hòa Bình.
Tháng 3-1945, đồng chí ra tù và được Trung ương Đảng phân công làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Tỉnh ủy Thái Bình. Đầu năm 1946 được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Bình bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Từ tháng 8-1946, đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách 2 tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên (nay là Vĩnh Phúc).
Từ tháng 12-1946 đến tháng 12-1947, đồng chí là Khu ủy viên Khu I, phụ trách các tỉnh: Phúc Yên, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn; khi thành lập Liên khu I, đồng chí phụ trách tỉnh Bắc Giang và Hải Ninh.
Từ tháng 5-1948 đến tháng 1-1949, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn.
Từ tháng 12-1948 đến tháng 11-1949, đồng chí là Thường vụ Liên khu ủy I và phụ trách Văn phòng.
Từ tháng 12-1949 đến tháng 6-1957, đồng chí là Phó trưởng Ban Đảng vụ Trung ương (Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương).
Từ tháng 7-1957 đến tháng 8-1960, là Giám đốc Vụ Quản lý thương nghiệp tư doanh, Ủy viên Đảng đoàn Bộ Nội thương. Tháng 8-1960 đến tháng 7-1965, làm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ (nay là Bộ Công thương).
Từ tháng 8-1965 đến tháng 9-1969, là Tổng cục trưởng Tổng cục Vật tư, Bí thư Đảng đoàn Tổng cục Vật tư.
Từ tháng 10-1969 đến tháng 12-1980, là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, tiếp tục làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa V, VI; Trưởng ban Tổ chức Trung ương từ tháng 12-1980 đến tháng 7-1991. Đại biểu Quốc hội từ khóa IV đến khóa VIII.
Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.