Đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh (*)

Đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh (*)

(Diễn văn của Tổng Bí thư NÔNG ĐỨC MẠNH tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trường Chinh, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam)

Đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh (*) ảnh 1

Đồng chí Trường Chinh thăm tỉnh Đắc Lắc, tháng 4-1983.

Hôm nay, chúng ta họp mặt tại đây để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Trường Chinh (9-2-1907 – 9-2-2007), nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, người cộng sản kiên cường, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và dân tộc ta.

81 tuổi đời, 63 năm liên tục hoạt động cách mạng, hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội, tên tuổi, sự nghiệp của đồng chí Trường Chinh gắn liền với những kỳ tích của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX.

Đồng chí Trường Chinh tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907, trong một gia đình trí thức yêu nước tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Tham gia phong trào yêu nước từ năm 1925 và gia nhập Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng năm 1927, đồng chí Trường Chinh là một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập.

Vượt qua sự đày ải khốc liệt trong ngục tù đế quốc (1931 - 1935), trên cương vị Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, phụ trách công tác tuyên truyền, đồng chí Trường Chinh đã đem hết tài trí truyền bá cương lĩnh, đường lối của Đảng, góp phần vào những thành công của cuộc vận động dân chủ do Đảng ta lãnh đạo trong những năm 1936 - 1939.

Năm 1940, trước sự khủng bố tàn bạo của chế độ thực dân, hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc đó bị thực dân Pháp bắt và giết hại. Vượt qua sự truy sát của kẻ thù, đồng chí Trường Chinh đã góp phần tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương và trở thành Quyền Tổng Bí thư của Đảng tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11-1940). Cùng với Ban Chấp hành Trung ương mới, đồng chí từng bước lãnh đạo, củng cố hệ thống tổ chức của Đảng, xây dựng các an toàn khu và đón lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Tháng 5-1941, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương họp ở Pác Bó, Cao Bằng, đã ra nghị quyết, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong quá trình phát triển của cách mạng nước ta. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương là sự “thay đổi chiến lược”, là “chính sách mới” của Đảng, đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp phù hợp với thực tế Việt Nam, tạo cơ sở chính trị cho sự ra đời, phát triển của Mặt trận Việt Minh. Tại hội nghị này, đồng chí Trường Chinh được bầu là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương.

Từ tháng 8-1942 đến tháng 10-1944 và từ tháng 2 đến tháng 5-1945, trong thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vắng mặt ở trong nước, đồng chí Trường Chinh trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đã trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương đưa “chính sách mới” của Đảng thâm nhập vào các tầng lớp nhân dân, mở rộng Mặt trận Việt Minh, củng cố các an toàn khu (ATK), xây dựng các chiến khu, tổ chức lực lượng vũ trang và thành lập khu giải phóng.

Trên cơ sở nắm chắc tình hình thếâ giới và trong nước, đồng chí Trường Chinh và Thường vụ Trung ương Đảng đã phát hiện đúng sự đột biến của tình hình thời cuộc, kịp thời ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, thống nhất các lực lượng vũ trang, kiện toàn các chiến khu đã có, lập thêm các chiến khu mới, cử ra ủy ban quân sự, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để khi thời cơ tới, kịp thời phát động nhân dân tiến lên tổng khởi nghĩa.

Tháng 5-1945, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước. Đảng ta gấp rút tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân ở Tân Trào, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam tức Chính phủ lâm thời, do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Trường Chinh trực tiếp phụ trách. Đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh tổng khởi nghĩa.

Bằng sự chuẩn bị chu đáo đó, tháng 8-1945, chỉ trong nửa tháng, tổng khởi nghĩa đã giành được thắng lợi trong cả nước, chế độ dân chủ cộng hòa được thành lập, mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập - tự do và chủ nghĩa xã hội.

Sau Cách mạng Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở nắm vững nguyên tắc và thực hiện các sách lược hết sức mềm dẻo, Trung ương Đảng ta đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện chủ trương vừa kháng chiến vừa kiến quốc, xây dựng thành công nhà nước dân chủ mới, tạo ra cơ sở pháp lý để thực hiện sách lược “hòa để tiến”, giành thắng lợi trong cuộc tranh đấu không cân sức chống giặc ngoài, thù trong, tạo ra thế và lực mới để bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập non trẻ.

Nhờ đó, cách mạng nước ta từng bước vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chế độ mới được củng cố và giành quyền chủ động lãnh đạo toàn dân ta tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Năm 1947 theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh viết tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, vạch ra chiến lược chiến tranh ái quốc toàn dân, toàn diện, trường kỳ. Năm 1951, trước yêu cầu phát triển của cách mạng nước ta, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã cùng Trung ương lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội lần thứ II của Đảng, đưa Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới là Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời vạch ra con đường phát triển của cách mạng nước ta qua báo cáo “Luận cương về cách mạng Việt Nam”.

Tại Đại hội này, đồng chí Trường Chinh được bầu là Tổng Bí thư của Đảng Lao động Việt Nam. Tháng 3-1951, đồng chí Trường Chinh lại góp phần lãnh đạo chuẩn bị và tổ chức Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt, tăng cường hơn nữa sức mạnh của Mặt trận đoàn kết dân tộc.

Đảng ta khẳng định: “Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị là Tổng Bí thư của Đảng từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những người lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng”...

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là Ủy viên Bộ Chính trị trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng và là Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng chí Trường Chinh có nhiều đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo tập thể của Đảng trong việc xây dựng đường lối cách mạng, tổ chức hậu phương miền Bắc vững mạnh, góp phần chuẩn bị các quyết sách chiến lược lớn giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng nhà nước kiểu mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Là Ủy viên Ủy ban Dự thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1960 - 1981), Chủ tịch Ủy ban Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1980), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1981-1987), đồng chí Trường Chinh đã tham gia chỉ đạo soạn thảo và công bố nhiều đạo luật, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trước thực trạng khủng hoảng của đất nước cuối những năm 70 thế kỷ XX, đồng chí Trường Chinh đã cùng nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương thâm nhập thực tế, tổng kết kinh nghiệm, tập hợp sáng kiến của nhân dân, tìm tòi lý luận để xác định đổi mới là đòi hỏi bức thiết của đất nước và của thời đại, là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với đất nước và dân tộc ta, là một trong những đồng chí đi tiên phong trong công cuộc đổi mới.

Tháng 7-1986, trên cương vị là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị lãnh đạo chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội VI của Đảng, khẳng định đường lối đổi mới toàn diện, đưa đất nước ta từng bước vượt qua khủng hoảng, giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trước sự đổ vỡ của hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Khi là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã hết lòng, hết sức góp phần xây dựng Cương lĩnh của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chuẩn bị nội dung cho Đại hội lần thứ VII của Đảng.

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta, đồng chí Trường Chinh luôn trau dồi kiến thức, lắng nghe ý kiến đồng bào, đồng chí và quan tâm tổng kết thực tiễn để làm sáng tỏ và góp phần xây dựng đường lối của Đảng.

Trước sự vận động phức tạp của tình hình, dựa trên trí tuệ khoa học, đồng chí luôn tỏ rõ bản lĩnh chính trị, kiên định đối với việc hoạch định và thực thi “chính sách mới” của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ, trong kháng chiến và trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Đồng chí luôn lưu ý Đảng, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, cần phân tích một cách sâu sắc những khuyết điểm, sai lầm và trên cơ sở đó đề ra chủ trương, biện pháp kiên quyết và thực tế để đưa cách mạng nước ta nhanh chóng vượt qua khó khăn, tiếp tục vững bước tiến lên.

Đồng chí cũng nhấn mạnh rằng, phương pháp tư duy đúng đắn không thừa nhận sự cường điệu hóa, cách làm phiến diện hoặc nhân danh đổi mới để phủ định những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoặc đề xuất những giải pháp không phân biệt nguyên tắc, xóa nhòa ranh giới giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản.

Ba lần trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương (1941 - 1951), Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (1951 - 1956) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (1986) - đồng chí Trường Chinh vừa là một nhà chính trị kiên định, góp phần hoạch định đúng đắn và sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, nhà tổ chức tài năng cùng toàn Đảng lãnh đạo, tổ chức toàn dân ta thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng, vừa là một nhà tư tưởng có những cống hiến xuất sắc về lý luận.

Là người chuẩn bị Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương năm 1941, đồng chí Trường Chinh đã khẳng định và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta đã được đề ra trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng (đầu năm 1930) trong việc giải quyết mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề ruộng đất, mối quan hệ giữa quyền lợi của dân tộc với lợi ích của bộ phận và giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta.

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, với “Luận cương về cách mạng Việt Nam”, đồng chí Trường Chinh phát triển khái niệm cách mạng tư sản dân quyền thành khái niệm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân; đề ra một hệ thống lý luận, phương châm chiến lược và sách lược của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh những đóng góp to lớn về lý luận, tổ chức và xây dựng Mặt trận thống nhất dân tộc, Mặt trận đoàn kết quốc tế, đồng chí Trường Chinh còn có những đóng góp xuất sắc về phương pháp, nghệ thuật chỉ đạo cách mạng, lý luận về khởi nghĩa giành chính quyền, về chiến tranh nhân dân, về công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa và về công tác tư tưởng, công tác văn hóa - văn nghệ của Đảng...

Đổi mới – giải phóng – phát triển nhằm khơi dậy và nhân lên sức mạnh mọi tiềm năng, cả vật chất và tinh thần của toàn thể dân tộc, làm cho cách mạng nước ta thuận với xu hướng phát triển của thời đại, phát huy hết sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc và thâu nhận được tối đa sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ.

Nhờ đó, cách mạng nước ta có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” vượt qua những tình huống phức tạp trong đời sống chính trị quốc tế, tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh vì mục tiêu độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chúng ta luôn ghi nhớ những bài học lớn mà Đảng ta đã tổng kết, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của đồng chí Trường Chinh:

Một là, sức mạnh của một nước, của cách mạng chính là ở nhân dân, phải tin tưởng ở nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều phải lấy dân làm gốc. Từ xưa, cha ông ta đã suy nghĩ và làm như vậy. Đảng ta, từ ngày thành lập đến nay và trong sự nghiệp đi lên chủ nghĩa xã hội ngày nay lại càng phải làm như vậy. Đó là bài học lịch sử vô giá của cách mạng nước ta.

Hai là, là người lãnh đạo, Đảng cần phải nắm vững là phải tôn trọng quy luật khách quan. Chủ nghĩa Mác - Lênin nêu lên những nguyên lý chung có tính phổ biến, song, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, việc vận dụng những nguyên lý đó vào hoàn cảnh Việt Nam là việc của chúng ta phải làm. Muốn vậy, phải xuất phát từ thực tế Việt Nam, với những con người Việt Nam cụ thể, với điều kiện phát triển cụ thể của lịch sử, của nền kinh tế, của điều kiện xã hội, của những truyền thống văn hóa Việt Nam.
 
Tiêu chuẩn đánh giá trình độ và khả năng vận dụng đúng đắn hệ thống quy luật, thông qua các chính sách của chúng ta là sản xuất phải phát triển, đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân phải ổn định và từng bước được cải thiện, xã hội phải lành mạnh, văn minh, các giá trị đạo đức và tinh thần ngày càng được nâng cao, quốc phòng, an ninh vững mạnh. Mọi chính sách dẫn tới kết quả ngược lại là biểu hiện của sự vận dụng không đúng đắn các quy luật khách quan, đều phải bãi bỏ hoặc sửa đổi. Tôn trọng và vận dụng đúng đắn quy luật khách quan chính là cách đi lên chủ nghĩa xã hội đúng nhất và nhanh nhất, không có con đường nào khác.

Ba là, phải biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới. Quá trình lãnh đạo cách mạng dày dạn của Đảng ta trong những năm qua đã chứng minh tính đúng đắn và sáng tạo trong việc kết hợp các yếu tố dân tộc và quốc tế, các yếu tố truyền thống và thời đại, các yếu tố chủ quan và sức mạnh của nhân dân với yếu tố khách quan về sự vận động của hệ thống quy luật. Do đó, cách mạng nước ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Bốn là, phải giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm với một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng lãnh đạo phải nắm vững hệ thống quy luật tác động lên xã hội trong từng giai đoạn lịch sử và làm đúng quy luật. Làm đúng quy luật chính là hợp với lòng dân, hợp với xu thế đi lên của đất nước và của thời đại. Vì vậy, làm đúng quy luật thì nhất định sản xuất sẽ phát triển, tình hình sẽ dần ổn định và từng bước đi lên.

Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, cần tăng cường đoàn kết trong Đảng trên cơ sở của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng. Trước tình hình khó khăn, phức tạp, có những ý kiến khác nhau là lẽ bình thường.

Chúng ta cần chân thành, thẳng thắn, có thái độ xây dựng trong khi thảo luận để tìm ra chân lý, nhằm đạt tới nhất trí cao. Tình hình hiện nay đòi hỏi Đảng ta phải có bước đổi mới trong phong cách làm việc theo tác phong Hồ Chí Minh, đổi mới công tác tổ chức và cán bộ. Phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng cũng như trong lãnh đạo kinh tế - xã hội.

Đồng chí Trường Chinh còn để lại cho chúng ta bài học về lòng dũng cảm của người cộng sản: ở thời điểm khó khăn nhất, trước những bước ngoặt của lịch sử thử thách vai trò của Đảng lãnh đạo, phải nhìn thẳng vào sự thật, công khai thừa nhận khuyết điểm và sai lầm để quyết tâm khắc phục, đưa đất nước tiến lên.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Trường Chinh không ngừng nâng cao tầm văn hóa của mình bằng những giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại để luyện thành một nhân cách văn hóa lớn, đóng góp thiết thực vào việc hình thành và lãnh đạo thực hiện đường lối văn hóa của Đảng.

Đồng chí đã sớm đặt cơ sở lý luận cho việc xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Các tác phẩm “Đề cương về văn hóa Việt Nam” (l943), “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (l943) được coi là những tác phẩm đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng của Việt Nam.

Viết báo từ khi bắt đầu hoạt động cách mạng và lấy báo chí làm vũ khí tổ chức và tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, đồng chí Trường Chinh là một sáng lập viên, người lãnh đạo trực tiếp của báo chí cách mạng nước ta trong thế kỷ XX, đồng thời là một nhà báo nổi tiếng với nhiều bài báo có sức chiến đấu, tổ chức cao, có sức thuyết phục, cổ động cách mạng mạnh mẽ và sâu rộng. Những hoạt động trên lĩnh vực báo chí và các bài báo của đồng chí giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã phát huy sức mạnh của cả chính trị và văn hóa và trở thành một nhà lãnh đạo tiêu biểu về chính trị và uyên thâm về văn hóa của nước ta.

Trung thành và vận dụng một cách sáng tạo, thành công tư tưởng Hồ Chí Minh vào quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đồng chí Trường Chinh là người sớm kiến nghị Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động: sớm đặt vấn đề phải nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh để cho các thế hệ người Việt Nam sống và làm theo tư tưởng, noi theo tấm gương sáng ngời về đạo đức, phẩm chất, lối sống của Người.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Trường Chinh luôn kề vai sát cánh với đồng chí, hòa vào nhân dân, không ngưng nghỉ đấu tranh, thắng không kiêu, bại không nản, một lòng một dạ phục vụ sự nghiệp độc lập của dân tộc, tự do và hạnh phúc của nhân dân, không mảy may có tư tưởng địa vị hay tư lợi cá nhân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí không nhận một chức vụ nào của chính quyền.

Trước những sai lầm trong cải cách ruộng đất, đồng chí nhận trách nhiệm, xin từ chức Tổng Bí thư để nhận nhiệm vụ Trưởng ban sửa sai và hoàn thành nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, giữ vững uy tín của Đảng.

Suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, đồng chí Trường Chinh là tấm gương sáng về sự kiên cường cách mạng, tính nguyên tắc và ý thức kỷ luật cộng sản, quý trọng đồng bào, chân thành với đồng chí, khiêm tốn, giản dị, làm việc khoa học, thận trọng, cụ thể và thiết thực.

Đó là một nhân cách lớn, xứng đáng để những người cách mạng chúng ta và các thế hệ mai sau mãi mãi tôn vinh và học tập.

Hơn 20 năm qua, công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ và thử thách mới. Noi gương các bậc tiền bối, những anh hùng mở lối tới độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc và con người Việt Nam, chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm của mình trước vận mệnh của dân tộc và của Đảng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng đã đề ra.

Tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta vừa phát động, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết phấn đấu đưa sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đến thắng lợi. 

(*) Đầu đề do SGGP đặt.

-----------------------
- Tấm gương sáng về sự kiên cường cách mạng

Tin cùng chuyên mục