Đóng góp của Phật giáo Việt Nam 35 năm qua vô cùng to lớn

Ngày 2-11, tại TPHCM, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN) TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Giáo hội PGVN 35 năm hình thành và phát triển”, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Giáo hội PGVN (7-11-1981 - 7-11-2016).

(SGGP).- Ngày 2-11, tại TPHCM, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (PGVN) TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Giáo hội PGVN 35 năm hình thành và phát triển”, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Giáo hội PGVN (7-11-1981 - 7-11-2016).

Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Trưởng ban tổ chức hội thảo phát biểu khai mạc hội thảo, nêu rõ ý nghĩa lịch sử, tầm quan trọng và quá trình 5 lần thống nhất Phật giáo Việt Nam, được thực hiện từ năm 1951 đến 1981, gắn với lịch sử đấu tranh cách mạng, thống nhất nước nhà của dân tộc ta. Từ lần thống nhất lần thứ nhất mang tên Tổng hội PGVN, sau đó là Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam, Hội Thống nhất PGVN, Giáo hội PGVN Thống nhất và lần thống nhất sau cùng vào ngày 7-11-1981 với 9 tổ chức và giáo hội khác nhau, dù ở phạm vi vùng miền hay ở phạm vi quốc gia, đều có chung mục đích hướng đến là thiết lập con đường xây dựng Phật giáo toàn quốc vững mạnh. Cũng với quan điểm này, trong phát biểu tham luận, PGS-TS Võ Văn Sen hệ thống lại quá trình du nhập, phát triển của PGVN trong hơn hai thiên niên kỷ qua, cùng với sự thăng trầm của đất nước, vẫn luôn đồng hành cùng dân tộc, trở thành một đạo Phật nhập thế, hộ quốc an dân. Dù ở thời đại nào, bước thăng trầm nào của lịch sử dân tộc Việt Nam, PGVN vẫn giữ vững định hướng chủ trương đạo pháp và dân tộc, phụng sự xã hội, lợi lạc quần sinh là phương châm hành động.

Trong bản tham luận nói về ý nghĩa lịch sử của ngày thống nhất PGVN và quá trình xây dựng, phát triển của PGVN 35 qua, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội PGVN đã đặc biệt nhất mạnh đến sự phát triển của hệ thống tổ chức Giáo hội PGVN và những đóng góp to lớn trên các phương diện và các lĩnh vực hoạt động của xã hội, từ văn hóa, tư tưởng, giáo dục, y tế, an sinh xã hội cho đến xây dựng cuộc sống hòa bình, hòa hợp với môi trường. Những đóng góp to lớn đó không chỉ cho sự phát triển của đất nước mà còn trên trường quốc tế. Từ 27 đơn vị hành chính khi mới thành lập, đến nay Giáo hội PGVN đã hình thành cơ chế tổ chức hành chính ở 63/63 tỉnh thành trong cả nước, bảo đảm xuyên suốt, thống nhất tại 3 cấp hành chính: trung ương, tỉnh thành và quận huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Hiện cả nước có 49.439 tăng, ni và 18.343 tự viện với khoảng hơn 16 triệu phật tử và hơn 38 triệu người có tín ngưỡng đạo Phật.

Từ hơn 100 tham luận và phát biểu của các học giả, nhà nghiên cứu đăng ký tại hội thảo, Ban tổ chức đã chia thành 4 chủ đề, bao gồm: Các phong trào thống nhất Phật giáo và sự hình thành Giáo hội PGVN; Giáo hội PGVN: các hệ phái trực thuộc và các hoạt động tiêu biểu; Giáo hội PGVN đồng hành cùng dân tộc và phụng sự nhân sinh và Giáo hội PGVN từ tinh thần dân tộc đến hội nhập thế giới. Hội thảo chia thành 3 phiên thảo luận với 4 nhóm nội dung trên, tập trung làm rõ nhiều cứ liệu khoa học quan trọng về quá trình hình thành, phát triển của Giáo hội PGVN 35 năm qua. Trong đó, báo cáo tham luận tại hội thảo của nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải về “PGVN gắn bó cùng dân tộc, phụng sự nhân sinh” (Báo SGGP ra ngày 2-11 đăng toàn văn) được đánh giá cao, có nhiều tư liệu, góc nhìn mới về lý tưởng giác ngộ “chân lý hòa hợp chúng sinh, hòa bình và công bằng xã hội” của Giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc, Tổ quốc và nhân loại.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục