Nhộn nhịp khu tái định cư
Chúng tôi đến thăm ấp Đồng Kèn, xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh) trong cái nắng vùng biên giới rát bỏng. Thế nhưng, không khí dọn về nhà mới của kiều bào ở đây vô cùng khẩn trương, tấp nập. Đoạn đường đất đỏ gập ghềnh, dài chừng hơn 2km, nối dài từ lòng hồ Dầu Tiếng đến Đồng Kèn, nhộn nhịp hơn thường nhật. Từng đoàn honda thồ tất cả đồ đạc từ lòng hồ dời vào đất liền. Xe chở theo cả những giọt mồ hôi mặn chát và cả những nụ cười “tỏa nắng” của ngư dân.
Không khí Đồng Kèn như ngày hội khi người người sửa soạn, nhà nhà dọn dẹp đồ đạc trong ngoài. Trẻ em ở các khu nhà mới thì háo hức trong những trò chơi đá banh, búng bi; gặp khách lạ, chúng nhao nhao nhờ “chụp hình giùm con” rồi té ra cười sảng khoái. Những gia đình dọn về trước, đã sắp xếp xong đồ đạc, bắt đầu làm tiệc tân gia. Tiếng cười nói, tiếng chúc tụng vang lên khắp xóm nhỏ. Được biết, khu tái định cư cho kiều bào được UBND huyện Tân Châu đề xuất thực hiện có diện tích 14.723m2, gồm 9 dãy nhà ở. Mỗi dãy nhà có từ 15-21 căn tường xây liền kề, với kiến trúc khép kín, diện tích mỗi căn là 36m2, kinh phí xây dựng là 60 triệu đồng/căn. Phía trước các nhà đều có thềm, đường, sân chơi, phía sau có khu vực “nở hậu” để người dân phơi đồ. Khu nhà đang hoàn chỉnh vì hiện tại vẫn còn thiếu hệ thống cây xanh bóng mát. Đường điện kéo vào khang trang, đầy đủ, người dân ở đây sinh hoạt bằng nước sạch. Khu tái định cư này được xây dựng với tổng vốn đầu tư 21 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Tây Ninh hỗ trợ 10 tỷ đồng và Quỹ Đạo Phật ngày nay của chùa Giác Ngộ - TPHCM ủng hộ 11 tỷ đồng. Sau gần 1 năm khởi công, khu tái định cư đã thực sự bùng lên ngọn lửa ấm áp, chào đón kiều bào về lập nghiệp trên vùng đất mẹ.
Tất bật dọn về nhà mới, ông Võ Văn Bền (58 tuổi) cho biết gia đình ông cảm thấy rất hạnh phúc. Bên thềm nhà, bà Lê Thị Lệ (53 tuổi), vợ ông Bền, đang lau dọn, phơi phóng đồ đạc, 2 con trai cùng phụ cha mẹ. Ông Bền đưa vợ con rời Xiêm Riệp (Campuchia) về Việt Nam từ năm 2015 trên một cái vỏ nhỏ, màu sơn đã cũ. Không tiền bạc, bạn bè hay bất cứ người quen nào nên ông Bền neo chiếc vỏ bên lòng hồ Dầu Tiếng thuộc địa phận Tân Châu và cất nhà “nhắc” ở tạm. Cả gia đình 4 người không ai biết chữ, sống lênh đênh trên hồ Dầu Tiếng bằng nghề mò hến bán đổi gạo qua ngày. Nay nhờ được cấp nhà mới, các thành viên trong gia đình không giấu được niềm hạnh phúc. Từ đây gia đình họ có cuộc sống mới, rời xa những con sóng, màn đêm trên lòng hồ. Ba cha con ông Bền dự định sẽ lên thị xã Tây Ninh làm nghề phụ hồ để vợ ở nhà lo nhà cửa, cơm nước, còn nếu rảnh bà Lệ. có thể đãi hến phụ các ghe khác kiếm chút tiền điện, nước mỗi tháng.
Trẻ em đã được đến trường
Lên bờ, có nhà ở là niềm mơ ước của hầu hết kiều bào sống dật dờ bên lòng hồ Dầu Tiếng những năm qua. Và hạnh phúc hơn đối với những bậc làm cha mẹ là con cái đã được đến trường. Chính vì vậy, khi dọn khỏi những căn nhà “nhắc” về khu tái định cư, nhiều người hạnh phúc đến nghẹn ngào. Vừa nấu cơm, vừa nói chuyện, vậy mà bà Trần Thị Lệ (67 tuổi) ở dãy nhà cuối như lạc giọng khi nhắc tới niềm vui của gia đình: “Cô ơi, bao năm rồi lênh đênh sông nước, giờ được tặng nhà thế này chúng tôi mừng lắm. Ở đâu rồi mình cũng phải mần mới có ăn, nhưng mà được về đất liền thế này, tôi chẳng biết nói gì hơn, chỉ biết nói tiếng cảm ơn bằng cả sự chân tình”. Kế bên nhà bà Lệ là mẹ con của chị Nguyễn Thị Phương Hiền (28 tuổi), với quầy tạp hóa, vài món hàng đơn điệu như tương dầu, bột ngọt, đường và dầu gội đầu. 3 triệu đồng là vốn liếng dành dụm bao ngày để chị Hiền trở thành bà chủ nhỏ của dãy nhà mới này. Dáng người gầy guộc, nhỏ bé nhưng chị Hiền rất lanh lợi. Tình yêu đã đưa chị từ Hóc Môn về lòng hồ Dầu Tiếng sinh con đẻ cái trên túp lều tranh. Chị Phương Hiền biết chữ, nhưng chồng chị - anh Lê Văn Lẹ (30 tuổi) thì không biết chữ nào. Hai người gặp nhau ở Bình Dương khi cùng đi làm phụ hồ. Nghèo khổ gặp nhau, tình yêu lớn dần, nên vợ nên chồng với 2 đứa con. Sắp tới, bọn trẻ lại được đến trường, được học chữ, hòa nhập vào một thế giới mới, vợ chồng anh chị Hiền, Lẹ cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc.
Xã Tân Thành có trên 300 hộ dân di cư tự do từ Campuchia về và dù hiện tại kiều bào chưa có giấy tờ tùy thân, trẻ em không có khai sinh, nhưng chính quyền địa phương vẫn hỗ trợ tối đa để các em được xóa mù chữ. Các cháu nhỏ ở khu tái định cư và ngay cả khu lòng hồ sẽ được học cấp tiểu học. Nói chuyện với chúng tôi, bé Lâm Văn Phon (10 tuổi), người nhỏ như cục kẹo, khoe đã viết được tên, đọc thuộc được bài Trâu ơi, Bạn của Phon nhiều em cũng được đến trường nhờ chính sách xóa mù của xã Tân Thành.
Khu tái định cư Đồng Kèn với những căn nhà vững chãi là nỗ lực rất lớn của các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh và các tấm lòng hảo tâm từ chùa Giác Ngộ. Chủ tịch UBND huyện Tân Châu Tạ Lâm Châu đánh giá: “Đây là một công trình có ý nghĩa lớn đối với kiều bào; nó không chỉ mang ý nghĩa an sinh xã hội mà còn giúp thế hệ trẻ của xóm Việt kiều này biết chữ, có thể xây dựng cuộc sống mới, no đủ, tiện ích và khang trang hơn. Ngoài ra, công trình nhà ở này còn có một tầm nhìn chiến lược, giải quyết các vấn nạn về môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn nguồn nước của lòng hồ Dầu Tiếng, bảo vệ nguồn nước sạch cho TPHCM và vùng phụ cận”.