Động lực để phát triển

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vừa có thư khen Chương trình 75.000 sáng kiến, vượt khó, phát triển của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Chủ tịch nước đánh giá, chương trình rất thiết thực vì lao động sản xuất là nguồn gốc tạo ra của cải và sự thịnh vượng của quốc gia. 
Mô hình "Siêu thị 0 đồng” tại TPHCM
Mô hình "Siêu thị 0 đồng” tại TPHCM

Chương trình giúp khơi dậy và thúc đẩy kiến tạo văn hóa mới trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhân lên niềm tin và khát vọng phấn đấu cho một đất nước Việt Nam hùng cường, hạnh phúc. 

Thời gian qua, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập quốc tế” do MTTQ Việt Nam phát động, đã có rất nhiều công trình, sáng chế tiêu biểu, có giá trị ứng dụng trong hoạt động thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đặc biệt, có những sáng tạo khởi nguồn từ những người trực tiếp lao động sản xuất nhằm thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Những phong trào thi đua đó đã góp phần phổ biến tri thức khoa học, kết nối và đưa sản phẩm sáng tạo khoa học vào thực tiễn cuộc sống, đặc biệt đã làm lan tỏa, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, khát vọng lao động sáng tạo, cống hiến cho sự phát triển của đất nước, của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và mỗi người dân.

Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhiều công trình khoa học, sản phẩm sáng tạo đã được ứng dụng trong phòng chống dịch, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh…

Đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay, nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều tấm lòng vàng trong thi đua phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội như mô hình “ATM oxy”, “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”, “Suất cơm 0 đồng”, mô hình cách ly “3 lớp”, tháp nhiều tầng trong điều trị bệnh nhân, phương án thiết lập “vùng xanh” an toàn…

Sự vào cuộc, chung tay của cả hệ thống chính trị, nhân dân cùng đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn đã góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép.

Qua các phong trào thi đua càng thấy rõ một điều, năng lực sáng tạo, nghiên cứu khoa học luôn có ở mọi lứa tuổi, tầng lớp trong xã hội, từ các giáo sư, nhà khoa học đến các em học sinh, sinh viên, nông dân… Do đó, rất cần kịp thời động viên, khuyến khích và tôn vinh các nhà khoa học, sáng chế nhằm cổ vũ, khơi dậy truyền thống yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy trí tuệ của người Việt Nam, thi đua sáng tạo, đam mê khoa học.

Chỉ khi thực hiện tốt phong trào thi đua, sáng tạo thì mới có thể truyền được cảm hứng, niềm say mê sáng tạo tới cộng đồng và toàn xã hội, nhất là thế hệ trẻ, tạo động lực mạnh mẽ để góp phần tích cực phát triển đất nước. Thi đua cũng là dịp để chúng ta nhân rộng các điển hình, tấm gương tiêu biểu với tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, cổ vũ, lan tỏa những giá trị nhân văn, tinh thần đoàn kết, tất cả vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục