Việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu các tu viện hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam, đã nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu.
Theo PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, việc không đốt vàng mã là hợp lý với giáo lý nhà Phật và đời sống hiện nay. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, đốt vàng mã, đồ mã có ý nghĩa tích cực nhất định. PGS-TS Bùi Hoài Sơn nói: “Vàng mã, đồ mã là phương tiện kết nối âm dương, là sự chăm sóc của người sống cho người chết, thể hiện sự hiếu lễ của con người với tổ tiên, thần linh. Bên cạnh đó, nghề làm đồ mã cũng đem lại công ăn việc làm cho một bộ phận người dân. Nhưng đốt quá nhiều, đua tranh trong xã hội với quan niệm đốt càng nhiều càng có lộc là sai lầm. Chưa kể, tâm lý đó bị lợi dụng bởi những thầy cúng, thầy bói dẫn đến nhiều hệ lụy”. Có nhiều cách hạn chế việc này, như nâng cao nhận thức của người dân, chỉ đốt vàng mã theo nghi thức tượng trưng, là hình thức bày tỏ lòng hiếu lễ với người đã khuất, thần linh. Bên cạnh đó, người đứng đầu các cơ sở thờ tự, đền, chùa cần vận động người dân đi lễ không nên đốt vàng mã, đồ mã đúng theo tinh thần công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. “Bỏ ngay thói quen đốt đồ mã, vàng mã của người dân thì khó, nhưng cần hạn chế và hạn chế được là rất tốt”, ông Hoài Sơn nói.
Cùng quan điểm này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - GS Trần Lâm Biền cho biết, đồ mã, vàng mã xuất hiện từ thời Đường (Trung Hoa). Khi chưa có đồ mã, vàng mã, những người quyền quý chết đi thường được chôn theo vàng bạc, thậm chí cả thê, thiếp. Đồ mã, vàng mã ra đời thay thế cho những đồ thật phải táng theo người chết. “Khởi đầu của vàng mã có tính tích cực, nhưng chỉ đúng với hoàn cảnh lịch sử của thời đó”, GS Trần Lâm Biền nhận định. Tuy nhiên, hiện nay người ta quan niệm “trần sao âm vậy”, đó là áp đặt quan điểm của người ở thế giới này lên thế giới khác (nếu có). Vì vậy, nào là máy bay, ô tô, xe máy, nhà lầu… được làm để đốt xuống cho người âm. Người dân đua nhau mua đồ mã để đốt. “Nhận thức sai lầm đẩy việc sử dụng đồ mã trượt dài trên sai lầm. Dùng đồ mã với lòng tin mù quáng, nên không khác gì đem đồ giả lừa bịp tổ tiên, thần thánh”, GS Trần Lâm Biền phân tích. Cùng với các cơ sở thờ tự, ngành văn hóa các địa phương cần sớm tuyên truyền để người dân hạn chế đốt đồ mã, chỉ sử dụng tượng trưng, vừa đủ để thể hiện tấm lòng.
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội và phát triển, cũng cho rằng hoạt động đốt vàng mã mang tính biểu trưng, nhưng nhiều người không hiểu biết thì nó như “sự mua chuộc, nịnh bợ, đút lót thần thánh và người chết, thể hiện lòng tham của con người”. Đốt vàng mã đã trở thành hủ tục, bây giờ đề xuất sửa cũng cần thời gian, không phải cứ muốn cấm là được. Người ta không đốt ở chùa sẽ đốt nơi khác, tuy nhiên Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến đời sống nên nếu nhà chùa thực hiện sẽ có ảnh hưởng tốt đến người dân.