
Số liệu thống kê từ các công ty bảo hiểm cho thấy, hiện nay mới chỉ có 20% trong tổng số xe máy đang lưu thông là có tham gia bảo hiểm (con số này ở xe ô tô là 95%). Tại Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Minh, đơn vị chiếm thị phần lớn nhất tại khu vực TPHCM, số lượng xe máy tham gia bảo hiểm cũng mới chỉ là 555.000 chiếc… Vì sao?
Khi tai nạn giao thông xảy ra, người bị nạn rất cần được nhanh chóng cứu chữa, bồi thường thiệt hại về vật chất. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều nạn nhân và gia đình của họ đã không được bồi thường thỏa đáng do chủ xe không đủ khả năng tài chính hoặc người gây ra tai nạn đã chết trong tai nạn đó. Mặc dù việc bảo hiểm các loại xe cơ giới (như xe máy, ô tô…) đã được pháp luật quy định... nhưng rất nhiều chủ phương tiện xe cơ giới vẫn chưa tích cực tham gia bảo hiểm.
Lý do đầu tiên là hầu hết các chủ xe chưa ý thức được sự cần thiết phải mua bảo hiểm. Bởi vậy, việc mua bán này “cao trào” và “thoái trào” phụ thuộc vào công tác kiểm tra của ngành chức năng. Năm 2003, khi trong nội dung kiểm tra an toàn giao thông có bắt buộc chủ xe phải trình giấy chứng nhận bảo hiểm (nếu không sẽ bị phạt) thì họ đổ xô đi mua bảo hiểm. Nay do ít kiểm tra thì việc mua bảo hiểm lắng xuống. Không phải ngẫu nhiên mà số lượng xe máy tham gia bảo hiểm trong năm 2004 giảm đến 70% so với năm 2003.
- Dịch vụ bảo hiểm chưa có tính cạnh tranh

Mua bảo hiểm xe gắn máy, xe ô tô tại Bảo Minh Sài Gòn. Ảnh: Đức Thành
Tuy đã là khách hàng thân thiết của các công ty bảo hiểm nhưng một số doanh nghiệp vận tải vẫn ngao ngán: các dịch vụ này giống như “sinh sản vô tính”… đều xêm xêm về giá, hình thức phục vụ. Do vậy, họ rất lúng túng khi chọn cho mình nhà cung cấp. Và điều này cũng gây khó cho không ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm. Một cán bộ của Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex cho biết: giá và hình thức phục vụ đã “đóng khung” thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chẳng còn gì gọi là “độc chiêu” để hút khách hàng.
Kết quả là người bán bảo hiểm nào có khả năng “vận động hành lang” mạnh thì bán được nhiều hàng. Mà cái kiểu bán hàng “đi cửa sau” này lại như con dao hai lưỡi vậy. Một doanh nghiệp vận tải kể lại câu chuyện mà chính anh là nạn nhân: xe bị tai nạn ở Quảng Trị, vì có mua bảo hiểm đầy đủ nên anh đã yêu cầu đơn vị bảo hiểm đến xem xét tình hình. Nhân viên bảo hiểm đến ngay nhưng sau khi tìm hiểu vụ việc anh ta lại đưa ra một bản quy định (mà lúc bán bảo hiểm không thấy đưa ra) và nói rằng căn cứ theo quy định này thì chủ xe chỉ được bồi thường rất ít.
Chủ xe cố tranh cãi nhưng luật là luật, đành chịu phần thiệt. “Chúng tôi đã quá chủ quan”, doanh nghiệp này thừa nhận. Tuy nhiên, theo anh và nhiều chủ xe khác: giá như có nhiều sản phẩm bảo hiểm thì người mua sẽ có ý thức chọn lựa cái nào tốt nhất. “Đổ đồng” dịch vụ như hiện nay sẽ tạo cho chủ xe tâm lý “mua cho có” vì ai cũng như ai. Họ hầu như không xem xét kỹ đến bản hợp đồng. Tất nhiên, hậu quả của việc này là những cãi vã không đáng có khi “hữu sự”. Việc mua bảo hiểm vì thế trở thành gánh nặng với các chủ xe. Không chỉ có thế, các sản phẩm bảo hiểm nghèo nàn cũng không hấp dẫn người mua, làm cho quy định bắt buộc mua bảo hiểm không được chấp hành nghiêm.
- Chưa có văn bản pháp quy về việc phối hợp bồi thường
Ông Trịnh Minh Đức ,Trưởng phòng bảo hiểm xe cơ giới của Bảo Minh cho biết theo quy định của Luật Bảo hiểm, việc bồi thường tai nạn giao thông phải căn cứ vào hồ sơ của công an (nhằm xác định nguyên nhân gây ra tai nạn), thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một văn bản pháp quy nào về việc phối hợp này. “Mặc dù lâu nay giữa chúng tôi và phía công an vẫãn cộng tác khá tốt khi giải quyết bồi thường bảo hiểm, thế nhưng cần phải có văn bản cụ thể để chúng tôi có cơ sở và lý do chính đáng khi tiếp cận hồ sơ của cơ quan công an”- ông Đức nói.
Để nhanh chóng giúp các nạn nhân khắc phục khó khăn cấp thời về tài chính, các công ty bảo hiểm trước khi chờ hồ sơ của công an thường phải tạm ứng trước số tiền bảo hiểm. Đơn cử như trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ở Trảng Bom (Đồng Nai) ngày 7-3-2004, ngay ngày hôm sau, Bảo Minh đã trợ cấp bảo hiểm khẩn cấp cho gia đình 7 em học sinh tử nạn 5 triệu đồng/em và trợ cấp 3 triệu đồng/em cho các trường hợp bị thương. Hay như vụ tai nạn chìm tàu ở đảo Hòn Khoai (Cà Mau) xảy ra ngày 30-4-2004 thì ngày 1-5-2004, Bảo Việt đã nhanh chóng giải quyết trợ cấp 34 triệu đồng cho gia đình 5 em học sinh bị tử vong, đồng thời hỗ trợ 50 triệu đồng cho các gia đình bị nạn khác để khắc phục khó khăn bước đầu về tài chính.
Thiết nghĩ, sự linh động, nhanh chóng trong giải quyết bồi thường bảo hiểm tai nạn giao thông như đã nêu trên là cần thiết, đòi hỏi phải sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an và các đơn vị bảo hiểm.
Thu Tuyết - Nguyên Thảo