Du lịch châu Á - Thái Bình Dương phục hồi tích cực

Theo Tổ chức tư vấn Oxford Economics của Anh, khách du lịch dự kiến sẽ trở lại nhiều hơn trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay, mặc dù lạm phát cao có thể sẽ khiến ngành công nghiệp không khói chưa thể phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19.

Tín hiệu khởi sắc

Oxford Economics ước tính lượng khách du lịch trên toàn khu vực trong năm nay sẽ bằng 50% so với mức của năm 2019 và phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch sẽ diễn ra vào năm 2025 hoặc năm 2026.

Ông James Lambert, Giám đốc tư vấn kinh tế của Oxford Economics châu Á, nhận định, thế giới nói chung đang ghi nhận sự phục hồi đáng kể từ sau đại dịch Covid-19, nhưng tại châu Á - Thái Bình Dương, sự phục hồi diễn ra chậm hơn. Nguyên nhân một phần vì lạm phát vẫn đang gia tăng trên toàn thế giới khiến nhiều người phải cân nhắc chi tiêu cho du lịch. Bên cạnh đó, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vẫn còn phụ thuộc vào khách du lịch Trung Quốc. Theo THX, Trung Quốc sẽ nối lại việc cấp thị thực cho người nước ngoài từ ngày 15-3.

Du khách tham quan TP Seoul, Hàn Quốc
Du khách tham quan TP Seoul, Hàn Quốc

Còn theo trang tin Asia Media Centre (New Zealand), 2023 là một năm hứa hẹn khởi sắc đối với du lịch ở châu Á - Thái Bình Dương. Tín hiệu tích cực này được chứng minh ở việc nhiều quốc gia trong khu vực đã đón được lượng khách gia tăng nhanh. Trong đó phải kể đến Thái Lan đón được 10 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 và đặt quyết tâm đón 20 đến 25 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2023. Malaysia dự kiến lượng khách đến nước này trong năm nay sẽ tăng lên 9,6 triệu người...

Trong khi đó, nhận định về thị trường du lịch châu Á - Thái Bình Dương, Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới cho rằng ngành du lịch châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng vào năm 2023 và sẽ có một năm tăng trưởng tích cực vào năm 2024. So với trước đại dịch, doanh thu từ du lịch sẽ đóng góp thêm 32% vào GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới dự đoán, ngành du lịch toàn cầu sẽ có thêm 126 triệu việc làm mới trong 10 năm tới. Trong số này, khoảng 65% sẽ đến từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, gần phân nửa số việc làm mới của ngành du lịch sẽ đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Du khách đến Bangkok, Thái Lan

Du khách đến Bangkok, Thái Lan

Tháo gỡ thách thức

Báo cáo của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới ước tính trong giai đoạn 2022 - 2032, đóng góp của ngành du lịch vào nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình hàng năm là 5,8%. Tại châu Á - Thái Bình Dương, tỷ trọng đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP khu vực thậm chí còn cao hơn, với tốc độ tăng trung bình là 8,5%.

Mặc dù được nhận định sẽ có sự phục hồi nhanh vào năm 2023, giới chuyên gia kinh tế cho rằng du lịch trong khu vực châu Á cũng đang phải đối diện với một số thách thức. Khó khăn chung của kinh tế toàn cầu được dự báo còn tiếp diễn trong năm 2023 sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của du khách.

Ngành du lịch trong khu vực vẫn còn thiếu nhân viên và nguồn lực hạn chế. Thêm vào đó, câu hỏi về biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế bền vững cũng đang được đặt ra với hoạt động du lịch. Chất lượng và số lượng du khách sẽ lại là vấn đề được bàn luận ở một số điểm đến, đặc biệt là những nơi du lịch có tác động lớn đến môi trường và cộng đồng. Nếu biết tận dụng các cơ hội, năm nay là thời điểm tốt để các công ty khách sạn tập trung phát triển nhân lực và đáp ứng nhiều hơn cho thị hiếu đang thay đổi của khách hàng.

Theo dữ liệu khảo sát gần đây của Booking.com, khách du lịch muốn những điều khác biệt trong chuyến đi của họ so với thời trước đại dịch Covid-19. Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Booking.com, bà Laura Houldsworth cho rằng điều đó phần nào nói lên sở thích của khách du lịch là trải nghiệm mang tính cá nhân hơn và mong muốn khám phá những địa điểm mới.

Tin cùng chuyên mục