Đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị

Vừa qua, tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã diễn ra hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ. Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp rất quan tâm đến việc làm thế nào để đưa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương - mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vào hệ thống siêu thị.
Dây chuyền sản xuất hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Hạt điều Vàng
Dây chuyền sản xuất hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Hạt điều Vàng

Mong muốn đưa sản phẩm vào siêu thị

Công ty TNHH Hạt điều Vàng (Bình Phước) thành lập năm 2019 có công suất 1.000 tấn điều thành phẩm/năm; 80% sản lượng xuất khẩu với các sản phẩm chủ lực gồm điều nhân trắng 320, điều wasabi, điều rang cay, cốt dừa. Hiện sản phẩm của công ty đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Brunei, lãnh thổ Đài Loan và có chi nhánh ở Malaysia. Dự kiến trong năm 2023, Công ty TNHH Hạt điều Vàng sẽ xuất khẩu khoảng 300 tấn điều chế biến sâu, doanh thu từ 4-5 tỷ đồng.

Cùng với các doanh nghiệp đi đầu trong chế biến sâu hạt điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Công ty TNHH Hạt điều Vàng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại. Nguyên liệu đầu vào được xử lý qua máy sơ chế cho ra 9 loại sản phẩm, qua khâu ổn định sản phẩm và cuối cùng là đóng gói tự động. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (năm 2021-2022) và được chứng nhận của tổ chức quốc tế BRCGS về nhà máy sản xuất đạt chuẩn an toàn thực phẩm châu Âu vào tháng 5-2022. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc kinh doanh công ty, dù đã xuất khẩu sang được thị trường khó tính hàng đầu thế giới là Nhật Bản nhưng các sản phẩm của công ty vẫn chưa vào được hệ thống siêu thị của các doanh nghiệp phân phối hàng đầu tại TPHCM.

Tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Đông Nam bộ mới đây, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ để đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị bán lẻ của TPHCM với sức mua lớn của một đô thị hơn 10 triệu dân. Tuy nhiên, thực tế giữa nhà sản xuất và nhà phân phối chưa gặp nhau, còn nhiều vướng mắc. Phía nhà sản xuất không biết bắt đầu từ đâu, còn nhà phân phối đòi hỏi phải đáp ứng được nhiều tiêu chí như độ đồng đều, chất lượng sản phẩm, sản lượng phải đủ lớn, phải được khách hàng tin dùng để không nằm quá lâu trên kệ, phải đạt tiêu chí sản phẩm xanh…

Cần sự đồng hành

Từ kinh nghiệm một doanh nghiệp đi trước, anh Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty Vinahe (có 5 sản phẩm điều được UBND tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao năm 2020 gồm điều phô mai, điều Yum Thái, điều tỏi ớt, điều chanh muối và bánh điều cashew), chia sẻ: “Để sản phẩm của mình vào được các hệ thống siêu thị là rất khó và cần có thời gian. Sản phẩm cần phải có các chứng nhận về nguồn gốc xuất xứ, nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, hình ảnh mẫu mã, bao bì cùng các giấy tờ liên quan về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn sản xuất, chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng OCOP ở cấp độ tỉnh, trung ương cho từng sản phẩm”.

Năm 2019, được sự hỗ trợ kết nối của Sở Công thương tỉnh Bình Phước và Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM giới thiệu, sản phẩm của Công ty Vinahe tham gia tuần lễ trưng bày và bán sản phẩm tại siêu thị Aeon. Đây là cách để siêu thị đánh giá sản phẩm về chất lượng và mức độ quan tâm của người tiêu dùng qua doanh thu bán hàng, từ đó siêu thị sẽ xúc tiến những bước tiếp theo. Theo đại diện ngành công thương, bản thân doanh nghiệp cần có những sản phẩm đặc trưng và mạnh dạn tham gia các hội chợ triển lãm, hội nghị xúc tiến thương mại của địa phương cũng như của các tỉnh, thành trong cả nước để người tiêu dùng biết đến sản phẩm của mình, từ đó lắng nghe góp ý của khách hàng để có hướng phát triển về mẫu mã, bao bì, chất lượng sản phẩm cho phù hợp.

Do hệ thống siêu thị lớn ở TPHCM không đủ chỗ để đưa hàng trăm sản phẩm OCOP của các địa phương lên kệ hàng nên một số ý kiến cho rằng, các tỉnh cần chủ động đưa các sản phẩm OCOP vào bán ở các siêu thị, các chợ ngay tại địa bàn để giới thiệu sản phẩm đến gần hơn với khách hàng địa phương, tiếp cận nguồn khách du lịch tại chỗ. Ngoài ra, phía Sở Công thương TPHCM cần nghiên cứu tổ chức định kỳ Ngày hội sản phẩm OCOP các tỉnh, thành tại TPHCM để tạo thêm cơ hội bán hàng, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.

Từ việc “phủ sóng” siêu thị ở Tây Ninh, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, kêu gọi các tỉnh, thành đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hệ thống thương mại hiện đại của vùng, ứng phó với các tình huống dịch bệnh; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng 180 điểm bán lẻ, doanh thu đạt 5.000 tỷ đồng; quy hoạch lại vùng nguyên liệu, trạm thu mua nông đặc sản, triển khai chuỗi cung ứng, nâng cao chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn sản phẩm xanh.

Tin cùng chuyên mục