Đức nỗ lực siết chặt luật sở hữu vũ khí

Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, Chính phủ Đức cần “gây áp lực tối đa” để loại bỏ vũ khí khỏi những phần tử cực hữu.
Vũ khí của nhóm cực hữu Reichsburger bị cảnh sát Đức tịch thu
Vũ khí của nhóm cực hữu Reichsburger bị cảnh sát Đức tịch thu

Theo tờ Bild am Sontag, Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết, Chính phủ Đức có kế hoạch thắt chặt luật súng đạn sau khi phát hiện âm mưu của nhóm cực hữu bị nghi ngờ lật đổ Nhà nước Đức. Cảnh sát đã bắt giữ ít nhất 25 nghi phạm với cáo buộc âm mưu đảo chính vũ trang nhằm trao quyền lãnh đạo đất nước cho doanh nhân người Đức Heinrich XIII có dòng dõi quý tộc. 

Chính phủ Đức đã xác định ít nhất 52 nghi phạm, bao gồm cả những người bị bắt, được cho là đã tham gia vào âm mưu này. Văn phòng công tố liên bang Đức cho biết, các nghi phạm là thành viên của nhóm QAnon và phong trào Reichsburger. Reichsburger bác bỏ hệ thống luật pháp và chính trị của Đức, với hầu hết các thành viên tuyên truyền việc tái lập đế chế Đức năm 1871.

Theo bà Faeser, Bộ Nội vụ cần các cơ quan chức năng “gây áp lực tối đa” để loại bỏ vũ khí của các nhóm cực hữu, trong đó có Reichsburger. Bà nói, đó là lý do tại sao chính phủ sẽ thắt chặt hơn nữa luật súng trong thời gian ngắn tới. Mặc dù công dân ở Đức có thể sở hữu súng, nhưng quốc gia này có một số luật về súng nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Sở hữu súng tư nhân là rất hiếm. Các nhà chức trách đã tịch thu vũ khí của hơn 1.000 thành viên Reichsburger trong các cuộc đột kích, nhưng 500 người khác vẫn được cho là có giấy phép sử dụng súng.

Ngoài ra, Bộ trưởng Faeser trích dẫn số liệu của chính phủ cho biết, số người tham gia nhóm cực hữu Reichsburger đã tăng lên. Các cơ quan tình báo nội địa của Đức ước tính số lượng thành viên vào khoảng 23.000, tăng 9,5% so với năm 2021. Hơn 10% thành viên nhóm Reichsburger được coi là có khả năng gây bạo lực. Cảnh sát Đức đã xác định gần 240 tội phạm bạo lực là thành viên của  Reichsburger trong suốt năm 2021. Những người ủng hộ Reichsburger cũng đã tham gia tuyển dụng các thành viên cho nhóm này, đồng thời tích trữ vũ khí.  

Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser cho biết, những kẻ âm mưu lật đổ Nhà nước Đức không phải là những kẻ điên vô tội mà là những nghi can khủng bố đang bị giam giữ trước khi xét xử.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Faeser, Chính phủ Đức sẽ nhấn mạnh vào việc loại bỏ tận gốc những phần tử cực đoan làm việc trong các cơ quan chính phủ, bao gồm cả lực lượng an ninh. Các báo cáo về những kẻ cực đoan cực hữu trong cảnh sát và quân đội ở Đức đã làm dấy lên những lo ngại đặc biệt, vì họ có thể sử dụng thông tin đặc quyền để nhắm mục tiêu vào các kẻ thù chính trị. 

Theo ông Marcel Emmerich,  nghị sĩ của đảng Xanh, điều đáng sợ là những người này sẵn sàng gây bạo động, họ biết nhiều về kiến trúc an ninh ở Đức và có quyền sử dụng vũ khí. Theo bà Faeser, vào năm 2021, trong quân đội Đức có sự gia tăng tư tưởng cực đoan. Bà kêu gọi tiến hành các thủ tục quân sự nhanh hơn để những người lính bị phát hiện vi phạm pháp luật hoặc vi phạm các quy tắc ứng xử có thể bị sa thải nhanh hơn.

Thomas Haldenwang, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa BfV của Đức, cho biết, cơ quan của ông đã lên kế hoạch công bố một báo cáo trong những tháng tới về những kẻ cực đoan làm việc cho chính quyền. Ông cho biết, cơ quan này cũng đang theo dõi đảng chính trị Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) về chính sách cực đoan của họ.

Tin cùng chuyên mục