"Đừng đốt" nên được phổ biến sâu rộng

Có thể coi đây là phiên bản 2 của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, một phiên bản dù không đầy đủ nhưng mang sức mạnh của hình ảnh và ngôn ngữ điện ảnh đậm chất thơ. Đã có một cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đi vào lòng công chúng trẻ, thì không lý do gì một bộ phim được thực hiện bởi những xúc cảm chân thật nhất về hình ảnh người nữ liệt sĩ, bác sĩ giàu lòng nhân ái của một đạo diễn danh tiếng Việt Nam như Đặng Nhật Minh, lại không thể một lần nữa đến được với giới trẻ...
"Đừng đốt" nên được phổ biến sâu rộng

Có thể coi đây là phiên bản 2 của “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, một phiên bản dù không đầy đủ nhưng mang sức mạnh của hình ảnh và ngôn ngữ điện ảnh đậm chất thơ. Đã có một cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đi vào lòng công chúng trẻ, thì không lý do gì một bộ phim được thực hiện bởi những xúc cảm chân thật nhất về hình ảnh người nữ liệt sĩ, bác sĩ giàu lòng nhân ái của một đạo diễn danh tiếng Việt Nam như Đặng Nhật Minh, lại không thể một lần nữa đến được với giới trẻ... 

Suốt buổi chiếu ra mắt bộ phim tại Fafilm cinema, không ít những tiếng sụt sịt vang lên trong khán phòng… Đèn bật sáng, bộ phim khép lại, những cặp mắt đỏ hoe trở thành bằng chứng sống động về một bộ phim tạo được cảm xúc mạnh mẽ trong lòng người xem. NSND Trà Giang phát biểu ngay tại cửa rạp chỉ với 2 từ: “Khóc suốt”.

Tất nhiên, bằng con mắt của những người trong nghề, đây chưa phải là một bộ phim hoàn hảo. Nhưng tóm lại đây vẫn là một bộ phim rất đáng xem, đó là kết luận chung của giới báo chí và nghệ sĩ có mặt tại buổi chiếu đầu tiên ở TPHCM, chuẩn bị cho đợt khai mạc phim nhân kỷ niệm ngày 30-4 sắp tới.

Không gian, thời gian trong phim không tuần tự như không gian, thời gian của nhật ký, có lúc là chiến tranh, có khi là thời bình, có lúc là bên này chiến tuyến, có khi lại bên kia, có lúc ở Việt Nam, có khi lại ở Mỹ…

Tâm lý của nhân vật cũng vậy, không chỉ có Đặng Thùy Trâm mà còn của người lính Mỹ Fred, của cả anh chàng sĩ quan ngụy tên Huân, và đặc biệt của hai bà mẹ, mẹ của Đặng Thùy Trâm và mẹ của Fred.

Sự nhân bản của bộ phim toát ra từ chính những nhân vật cụ thể như thế. Nỗi ám ảnh về chiến tranh kéo dài hàng chục năm của Fred, câu nói của mẹ anh: Cuốn nhật ký này sẽ đốt cả cuộc đời con; hay lời khuyên sâu sắc tự đáy lòng của Fred đối với cô cháu gái nhập ngũ chuẩn bị sang tham chiến ở Iraq: bác cũng từng là một quân nhân, bác biết, trong chiến tranh có những việc mình buộc phải làm để tự vệ, nhưng cháu phải hiểu, viên đạn khi đã ra khỏi nòng sẽ không thể kéo lại được. Người cháu đã trả lời: như vậy tốt nhất là giữ để nó không ra khỏi nòng. Sức nặng của chiến tranh, sự tố cáo tội ác trong chiến tranh nhiều khi chỉ nằm ở những câu nói đơn giản như thế.

Thành công của bộ phim, theo đánh giá của nhiều người chính là ở dàn diễn viên với những gương mặt hoàn toàn mới, hoàn toàn lạ, với lối diễn xuất mộc mạc mà tự nhiên. Chính những gương mặt này đã làm cho bộ phim trở nên chân thực, gần gũi, đời hơn, gần với cuốn nhật ký hơn.

Minh Hương (ảnh) trong vai Đặng Thùy Trâm, một gương mặt khiến cho người xem có cảm tình ngay lập tức bởi vẻ hồn hậu, tình cảm, giống như những gì mà độc giả mường tượng qua những trang viết của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Nhưng gương mặt thực sự khiến người xem xúc động lại chính là diễn xuất của hai diễn viên Đào Thị Duyên và Diễm Lộc vai mẹ của Thùy Trâm (lúc trẻ và lúc già). Hai diễn viên đã thể hiện sâu sắc hình ảnh người mẹ với sức nặng nội tâm của người có con đang ở nơi cận kề với cái chết, của người mà sự đau đớn ứa ra từ tim vì mất con…

Với tất cả những điều đó, bộ phim đáng để được phổ biến sâu rộng trong công chúng, nhất là lớp trẻ hiện nay.

Để ưu tiên cho giới trẻ có thể tiếp cận bộ phim, đại diện phát hành phim của Fafilm cho biết, đơn vị sẵn sàng giảm 50% giá vé cho các trường học, cơ sở đoàn, hội mua vé tập thể. Đơn vị phát hành nghiên cứu để có kế hoạch thực hiện ngay sau khi đợt phim mừng lễ kết thúc

HÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục