Đừng lãng phí 6,5 tỷ đồng

Mới đây, có một tin vui đến với công nhân lao động (CNLĐ) TPHCM: Quỹ hỗ trợ CN và chương trình cấp học bổng cho CN vay tiền đi học ra đời. Hình thức học bao gồm học văn hóa (bổ túc văn hóa, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học), học nghề, kể cả học tin học, ngoại ngữ.

So với năm 2007, chương trình học bổng lần này có thêm nhiều ưu đãi cho CN khi học bổng được cấp toàn phần, toàn bộ học phí và tài liệu học tập được tài trợ cho đến khi kết thúc khóa học. Riêng chương trình cho vay, đây là lần đầu tiên TP có một nguồn quỹ lớn để cho CN vay đi học mà không tính lãi.

Thế nhưng, điều đáng buồn là sau một thời gian công bố, tuyên truyền, ban điều hành quỹ chỉ nhận được 3 hồ sơ xin cấp học bổng. Riêng chương trình cho vay thì không có CN nào đăng ký. Hơn 6,5 tỷ đồng do các doanh nghiệp đóng góp để hỗ trợ CN học tập, nâng cao trình độ chưa thể giải ngân.

Càng đáng buồn hơn khi biết được toàn TP có trên 1 triệu CNLĐ, riêng trong các KCX-KCN cũng đã có đến 250.000 CN. Nhiều lý do được đưa ra: do chủ sử dụng lao động không tạo điều kiện, đồng lương thấp, thời gian làm việc căng thẳng, đặc biệt là do đợt tăng giá mới đây của xăng dầu và một số mặt hàng thiết yếu làm ảnh hưởng đến đời sống CN, khiến họ không mặn mà với việc học…

Tuy nhiên, có một lý do không thể không nhắc tới: đó là trách nhiệm và sự phối hợp của các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là tổ chức Đảng, công đoàn, Đoàn Thanh niên các cấp, Sở LĐTB-XH, các phòng LĐTB-XH cấp quận huyện và Ban Quản lý các KCX- KCN TPHCM (Hepza) còn chưa chặt chẽ.

Từ khi khai trương 2 chương trình học bổng và cho vay đến nay, hình thức tuyên truyền chủ yếu của ban tổ chức chỉ là thông tin trên báo, đài và lồng ghép tuyên truyền trong Phiên chợ vui (chương trình văn nghệ, bán hàng lưu động tại các KCX-KCN). 2 kênh thông tin này không thể phát huy hiệu quả khi thực tế, số CN được đọc báo, xem đài thường xuyên không nhiều và số người tham gia Phiên chợ vui chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với số CN có nhu cầu học tập.

Để chương trình đạt hiệu quả, chi bộ đảng, công đoàn cơ sở, đoàn thanh niên trong từng DN vừa phải tích cực tuyên truyền, vừa chủ động gần gũi, nắm bắt nguồn CN có nguyện vọng, khả năng, điều kiện học tập để vận động anh em tham gia.

Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở LĐTB-XH, các phòng LĐTB-XH quận huyện, Hepza cần có hình thức thông báo và vận động, yêu cầu các chủ DN tạo điều kiện về thời gian cho CN đi học.

Quỹ hỗ trợ CN TPHCM được hình thành do sự đóng góp của các DN trên tinh thần DN vì cộng đồng. Một khi số tiền đóng góp được sử dụng hiệu quả, số DN ủng hộ quỹ sẽ còn nhiều hơn và con số không chỉ dừng lại ở 6,5 tỷ đồng.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong chương trình hành động của Thành ủy TPHCM để thực hiện Nghị quyết 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ công nhân thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước” là từ nay đến năm 2010, toàn TP có 50% CNLĐ được đào tạo nghề và nâng cao trình độ. Để góp phần thực hiện được mục tiêu này, rất cần sự nỗ lực hơn nữa của các ngành, các cấp. 

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục