Đừng vội tuyệt vọng trước ung thư

Nhiều người khi biết mình mắc bệnh ung thư thường có suy nghĩ sợ hãi, hoang mang tột độ và coi như cuộc sống chấm hết. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn đúng, bởi theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu, bệnh nhân có thể khỏi bệnh nếu tầm soát, phát hiện kịp thời và tuân thủ phác đồ điều trị đúng cách với tinh thần lạc quan.
TS-BS Phan Thị Hồng Đức, Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, BV Ung bướu TPHCM thăm khám bệnh nhân tại khoa Nội 4
TS-BS Phan Thị Hồng Đức, Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, BV Ung bướu TPHCM thăm khám bệnh nhân tại khoa Nội 4

Sốc vì bị ung thư

 Sáng 14-8, sảnh Bệnh viện (BV) Ung bướu TPHCM (cơ sở 2, TP Thủ Đức) có hàng trăm người dân tới sớm để tầm soát, tái khám và điều trị ung thư. Gương mặt nhiều người vẫn còn hoang mang khi biết mình mắc căn bệnh quái ác này.

Chị V.T.T.H. (49 tuổi, ngụ Đồng Nai), đang điều trị ung thư vú giai đoạn đầu, cho biết, trước khi đi khám, chị không có biểu hiện như đau nhức hay triệu chứng nào khác, cơ thể vẫn khỏe mạnh, đi làm bình thường. Tuy nhiên tháng trước, trong một lần tắm theo phản xạ tự nhiên, chị vuốt hai bên ngực và phát hiện một u nhỏ kèm cảm giác đau.

“Đến bệnh viện thăm khám, sau khi có kết quả xét nghiệm, được bác sĩ kết luận 90% là mắc ung thư vú, tôi suy sụp hoàn toàn”, chị H. tâm sự. 

Cùng cảnh ngộ, anh L.T.T. (28 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) cho biết, anh bị ung thư đại tràng nhưng triệu chứng bình thường. Ban đầu anh T. có cảm giác chủ yếu khó chịu ở đường tiêu hóa, bị táo bón và đi cầu nhiều lần trong ngày, lâu lâu đi cầu ra máu. Gần đây, mỗi khi đi cầu thấy ra máu nhiều hơn, khi đi khám anh T. được bác sĩ kết luận bị ung thư đại tràng.

Biết mình bị ung thư, anh T. sốc và gần như gục ngã: “Tôi nghĩ ung thư là căn bệnh dẫn đến cái chết và đau đớn. Nhiều lần tôi nghĩ đến chuyện tự vận để bớt gánh nặng cho gia đình, thế nhưng được người thân, bạn bè động viên cũng như được bác sĩ giải thích cặn kẽ, đưa ra phác đồ điều trị cho thấy rất tích cực nên tôi bình tĩnh trở lại, tinh thần lạc quan và tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ”, anh T. chia sẻ.

Theo TS-BS Phan Thị Hồng Đức, Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu - BV Ung bướu TPHCM, nếu trước đây, nhóm tuổi trên 60 có tỷ lệ mắc ung thư cao thì những năm gần đây đã giảm xuống ở tuổi 50; trong đó độ tuổi từ 40 trở lên mắc ung thư ngày càng phổ biến.

“Bệnh tiểu đường, thừa cân béo phì, nhiễm trùng, hút thuốc lá, uống rượu bia, môi trường, lối sống… chính là những tác nhân khiến bệnh nhân mắc ung thư ngày càng gia tăng và trẻ hóa”, TS-BS Phan Thị Hồng Đức cho biết.

Có thể chữa khỏi nếu phát hiện kịp thời

 Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm, trên toàn cầu có trên 18 triệu người mắc mới các bệnh ung thư và 9,5 triệu ca tử vong. Con số này vẫn ngày càng tăng. Trong đó, Việt Nam là một trong những nước được xếp vào tốp đầu các nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao nhất và trường hợp mắc mới ung thư cũng tăng nhanh.

GS-TS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cho hay, tuy ung thư gây tử vong rất lớn, nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được, kể cả một số bệnh ung thư phổ biến nhất như: ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư cổ tử cung… Những loại ung thư này có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng phương pháp. 

Riêng tại BV Ung bướu TPHCM, thống kê cho thấy, có 20 bệnh lý ung thư phổ biến được đơn vị này ghi nhận trong năm 2020, 2021 mà người bệnh nhập viện điều trị thường mắc phải. Đứng đầu là u ác của vú, tiếp theo là u ác cổ tử cung, u ác tuyến giáp, u ác phế quản và phổi, u ác đại tràng…

Theo TS-BS Phan Thị Hồng Đức, mắc ung thư không phải là dấu chấm hết. Bệnh ung thư có thể phòng ngừa, chữa trị khỏi hoàn toàn bởi ung thư xuất phát từ một tế bào đơn lẻ, đơn vị cơ bản của sự sống. Sự chuyển dạng từ một tế bào bình thường thành tế bào ung thư là một quá trình nhiều giai đoạn, từ một tổn thương tiền ung thư đến khối u ác tính.

“Nhiều người thường tuyệt vọng, buông xuôi tất cả khi phát hiện mình bị ung thư. Trong khi đó, bệnh ung thư có thể được giảm thiểu và kiểm soát qua việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa và điều trị sớm”, TS-BS Phan Thị Hồng Đức chia sẻ. 

Các chuyên gia ung bướu khuyến cáo, để phòng ngừa ung thư thì việc tầm soát, điều trị ở giai đoạn sớm là rất quan trọng. Một số bệnh ung thư có thể chủ động phòng ngừa hiệu quả bằng tiêm vaccine hoặc cận lâm sàng như tiêm ngừa vaccine viêm gan B; tiêm ngừa vaccine cổ tử cung; tầm soát ung thư cổ tử cung (xét nghiệm virus HPV); tầm soát ung thư đại trực tràng bằng nội soi… Quan trọng hơn hết là cần có lối sống lành mạnh, dinh dưỡng phù hợp và rèn luyện sức khỏe thường xuyên. Trong trường hợp mắc ung thư, phải bình tĩnh, lạc quan, có suy nghĩ tích cực và tuân thủ phác đồ điều trị.

Về phương pháp điều trị ung thư hiệu quả, TS-BS Phan Thị Hồng Đức cho biết, tùy loại bệnh, tùy giai đoạn mà có cách điều trị khác nhau. Phương pháp điều trị trong ung thư là phối hợp đa mô thức để có kết quả tốt nhất. Giai đoạn sớm, điều trị chính là phẫu thuật kết hợp xạ trị. Ngoài ra, việc điều trị bằng phương pháp chăm sóc giảm nhẹ rất quan trọng. Phải điều trị toàn diện gánh nặng tâm lý không chỉ riêng bệnh nhân mà cả người thân của họ. Vì vậy, ngay từ đầu khi bệnh nhân đến khám, điều trị, phải có bộ phận tư vấn tâm lý để bệnh nhân giải tỏa tâm lý.

Tin cùng chuyên mục