
Kế hoạch chuyển đổi 93 trường bán công (mầm non: 48; tiểu học: 5; THCS: 24; THPT: 16) sang trường công lập tự chủ tài chính (TCTC) vừa được UBND TPHCM thông qua. Tuy nhiên, nhiều bạn đọc của Báo SGGP vẫn còn hoài nghi về mô hình này. Trao đổi với Báo SGGP, ông HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết:

Ảnh: MAI HẢI
Quá trình chuyển đổi các trường bán công sang trường công lập thực hiện theo cơ chế TCTC phải đảm bảo đúng luật (Luật Giáo dục sửa đổi quy định không còn hệ bán công trong hệ thống giáo dục quốc dân), ổn định (chuyển đổi theo luật không gây biến động) và khả thi (chuyển đổi nhẹ nhàng, đảm bảo yêu cầu đề ra). Công lập TCTC nghĩa là nhà trường tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và tài chính (đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần hoặc toàn bộ chi phí hoạt đông thường xuyên). Tính chất của trường bán công cũng giống như công lập TCTC.
-Có ý kiến cho rằng vì sao chúng ta không cổ phần hóa các trường bán công, huy động nhân lực, tài lực của xã hội?
- Ở doanh nghiệp cổ phần hóa, tài sản sẽ thuộc sở hữu một số cá nhân. Còn mô hình công lập TCTC, cơ sở vật chất vẫn là của nhà nước, có thu học phí để đảm bảo hoạt động của nhà trường.
- Thưa ông, cụ thể, học sinh, giáo viên và cả nền giáo dục sẽ được hưởng lợi gì từ mô hình này?
- Kế hoạch chuyển đổi này vừa phát huy được những thế mạnh vốn có của trường bán công đã được xây dựng hơn 15 năm qua, vừa khắc phục được khó khăn cơ bản của trường bán công hiện nay, nếu không tăng học phí sẽ không đủ chi. Khi chuyển qua công lập TCTC, không tăng học phí nhưng vẫn đủ chi và có sự phân bổ ngân sách một phần.
- Trong những năm qua, nhiều trường bán công của TPHCM luôn nằm trong vòng lẩn quẩn: thu không đủ chi, chất lượng đầu vào thấp. Nếu học phí ở công lập TCTC không tăng và vẫn cào bằng như hiện nay thì làm cách nào để các trường vươn lên nâng cao chất lượng hay các trường vẫn chỉ là trường công lập hạng 2?
- Hội đồng thẩm định TPHCM trong quá trình phê duyệt đã chấp thuận phân bổ ngân sách 30% cho các trường, có nghĩa là không phải tăng học phí nhưng các trường khi chuyển qua công lập TCTC vẫn đủ chi.
- Theo Quyết định 54 của UBND TPHCM, đầu tháng 5-2006, ngành GD sẽ công bố những trường bán công có điều kiện chuyển đổi sang công lập TCTC. Như vậy đến nay, trong số 93 trường bán công, đã có bao nhiêu trường có điều kiện đăng ký thực hiện công lập TCTC?
- Đúng kế hoạch Sở GD-ĐT sẽ công bố chỉ tiêu tuyển sinh và các loại trường vào ngày 5-5-2006. Hầu hết các trường bán công bậc THPT đều được chuyển đổi.
- Còn ở bậc mầm non, tiểu học và THCS thì sao, thưa ông?
- Các trường tự xây dựng đề án chuyển đổi cho phù hợp với tình hình thực tế của trường, trình hội đồng thẩm định và UBND cùng cấp.
- Vì sao Sở GD-ĐT không thí điểm mô hình công lập TCTC ở bậc THPT, như đề nghị của Ban VH-XH (HĐND TPHCM) trong buổi làm việc với Sở GD-ĐT vừa qua, để sau khi có đánh giá rút kinh nghiệm mới triển khai thực hiện ở quy mô rộng hơn?
- Theo kế hoạch chuyển đổi, hội đồng thẩm định sẽ phê duyệt từng trường một. Nhưng khi kế hoạch chuyển đổi được triển khai, yếu tố thuận lợi nổi trội, nhiều trường đã hoàn tất kế hoạch nhanh và khả thi nên hội đồng thẩm định đã phê duyệt.
- Nhiều quận hiện vẫn còn lúng túng với phương thức tuyển sinh ở các trường công lập TCTC bậc THCS. Bởi , HS lớp 5 vào lớp 6 chỉ xét tuyển. Cơ sở nào để phân tuyến HS này học hệ công lập nhưng đóng 15.000 đồng/tháng, công lập TCTC 90.000 đồng/tháng?
- Sở GD-ĐT đã triển khai kế hoạch chuyển đổi đầy đủ, kể cả kế hoạch tuyển sinh năm học trước, ở đó xác định tính ổn định là quan trọng nhất. Về yêu cầu tuyển sinh vào các hệ trường thì trường bán công và trường công lập TCTC là cùng một hệ.
- Theo thông tin chúng tôi nắm được, một số quận đang có kiến nghị chuyển các trường bán công thành trường công lập thuần túy. Sở GD-ĐT có ý kiến gì về kế hoạch này của các quận?
- Ngân sách giáo dục tại các quận huyện đều do UBND TPHC phân bổ, có nghĩa là về ngân sách giáo dục các quận huyện luôn đảm bảo mức chi như nhau giữa các quận huyện. Về vấn đề chuyển đổi bán công sang công lập là căn cứ vào quy hoạch trường lớp của địa phương đến năm 2010 theo Nghị quyết
05/2005/NQ-CP.
- Xin cảm ơn ông
DOANH DOANH
93 trường bán công của TPHCM thu nhận 30.479 học sinh. Học phí bán công thu được chiếm khoảng 15%-20% ngân sách chi thường xuyên cho ngành GD-ĐT. Năm học 2004-2005, tổng số tiền thu được từ hệ bán công là hơn 148 tỷ đồng (gồm 130,4 tỷ đồng tiền học phí và 17,8 tỷ đồng tiền cơ sở vât chất). Khó khăn hiện nay của các trường bán công là mức học phí tăng không đáng kể trong khi ở khu vực công lập mức lương tối thiểu tăng nhiều lần (từ 140 ngàn lên 290 ngàn) đã làm ảnh hưởng đến thu nhập và hoạt động giảng dạy ở trường bán công.
Nguồn: Sở GD-ĐT TPHCM