(SGGP).- Chiều tối 27-2, ông Nguyễn Văn Phòng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Công ty Cửu Long), đơn vị quản lý cao tốc TPHCM - Trung Lương cho biết, trong 3 ngày qua trung bình mỗi ngày có khoảng 18.000 xe qua trạm, chủ yếu là ô tô con, xe chở khách và xe tải nhẹ.
Trong khi đó, lượng xe lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A trong ngày 27-2 tăng lên đột biến so với những ngày trước thu phí ở cao tốc. Phòng CSGT đường bộ, đường sắt công an Tiền Giang phải tăng cường lực lượng trên quốc lộ 1A để điều tiết giao thông.
Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, lượng xe lưu thông qua quốc lộ 1A rất đông, không những chỉ có xe tải và xe container mà hầu hết các loại. Ngược lại trên tuyến cao tốc rất ít xe lưu thông. Sau 3 ngày thu phí, hệ thống nhấn nút tự động ra thẻ vẫn còn trục trặc, nhiều lúc không nhả thẻ, không đọc được biển số… Nhiều tài xế xe tải cho biết mức phí qua cao tốc như vậy là quá cao. Nếu đi quốc lộ 1A, từ Bình Chánh đến Trung Lương sẽ xa hơn đi đường cao tốc chừng 11km, tốn chưa đến 2 lít dầu nhiên liệu (khoảng 30.000 đồng), trong khi mức phí đi qua đường cao tốc cả gần nửa triệu đồng.
Ông Dương Tuấn Minh, Tổng giám đốc Công ty Cửu Long cho biết, trước đây theo chủ trương của Chính phủ, việc bán quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đã được Bộ GTVT đàm phán với Công ty cổ phần Phát triển đường cao tốc BIDV (BEDC - thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV). Tuy nhiên, do khó khăn trong việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài và hiệu quả tài chính của dự án thấp, nên cuối năm 2011 BIDV thông báo không mua quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương. Sau đó, được sự đồng ý của Thủ tướng, Bộ GTVT giao Công ty Cửu Long thu phí, đồng thời chỉ đạo tìm kiếm nhà đầu tư muốn mua lại quyền thu phí đường cao tốc để lấy tiền đầu tư các dự án khác.
Q. HÙNG - TH. BÌNH
- Thông tin liên quan:
>> Ngày đầu thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Xe tải né trạm
>> Ngày thứ 2 thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Lượng xe giảm