Đường cũng đắng

- Từ hơn nửa năm qua, các nhà máy đường ở xứ mình rên như bọng. Bởi lẽ sản xuất quá ngặt, không cạnh tranh nổi đường nhập lậu. Gần đây, chỉ còn khoảng hơn phân nửa số nhà máy là còn hoạt động. Tuy vậy, nguyên liệu vẫn thiếu trầm trọng.

- Nông dân “chê” cây mía, giảm diện tích là thứ dễ thấy. Còn chuyện gì nữa?

- Trồng mía lời quá ít so với một vài cây ăn trái khác hoặc dành đất đào ao nuôi cá lóc, tôm… Nhưng ngay cả những hộ dân trồng mía theo hợp đồng bao tiêu với nhà máy đường cũng “bẻ kèo”, không làm như cam kết. Họ dễ dàng bẻ ngang để bán mía cho thương lái làm nước mía. Hợp đồng không có chế tài, nên nhà máy đường đành mếu.

- Đường nhập lậu từ Thái Lan quá rẻ vì trốn thuế khiến đường nội điêu đứng. Giờ, nhà máy đường lại không cạnh tranh nổi cả những xe nước mía. Dòm thực trạng đó sẽ rút ra cái gì?

- Cứ đổ cho đủ thứ nguyên nhân ngoài rìa thì sẽ rối. Cái cốt tử bao nhiêu năm qua là ngành mía đường ỳ ạch trong chuyện chuyển đổi để cạnh tranh. Người rành chuyện cho rằng nhà sản xuất vẫn tìm đủ cách núp vô cái ô bảo hộ sản xuất trong nước. Bảo vệ bằng chính sách vẫn cần, nhưng để đứng vững trong thương trường khắc nghiệt thì phải đầu tư căn cơ. Công nghệ cũ, quy mô manh mún, chi phí vật tư nông nghiệp cao thì cạnh tranh kiểu gì. Cứ làm theo lối cũ thì đường cũng đắng.

Tin cùng chuyên mục