Ngày 26-12, sau khi Báo SGGP có bài viết “Rút ruột trên 20 tấn điều nhân xuất khẩu-Lộ diện đường dây ăn cắp chuyên nghiệp”, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam Phát Phạm Tuấn Thành, nạn nhân của vụ mất cắp bức xúc và cho biết thêm, ngoài 3 tấn điều nhân mà Công an Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) tạm giữ, vẫn còn 17 tấn điều nhân bị mất cắp hiện ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu…
Chiều 25-12, khi đoàn kiểm tra đến kiểm tra kho của DNTN TP thì trống không. Điều này không có gì ngạc nhiên, vì sự việc xảy ra từ ngày 22-12, do thủ tục hành chiùnh quy định và sự thiếu nhiệt tình của một số người thừa hành ở các địa phương. Lẽ ra, ngay tối hôm xảy ra vụ việc, những người có trách nhiệm đi ngay ra Bà Rịa –Vũng Tàu để kiểm tra thì hy vọng tìm được số hàng hơn 17 tấn còn lại.
Nhưng do công an ở đây hướng dẫn phải về cảng xem lại có mất hàng không theo đúng trình tự thủ tục. Xin mở container đã qua niêm phong dấu chì (kẹp seal) là chuỗi thủ tục rất phức tạp, đòi hỏi phải có đủ các bên. Khi công ty loay hoay mới làm xong thủ tục xin mở niêm phong chì container ở cảng ICD Phước Long và trình công an phường để đưa lên công an quận xử lý thì mất quá nhiều thời gian, bọn cắp chuyên nghiệp đã có đủ thời gian để tẩu tán. Trong khi đó, Công an Xuân Lộc cũng đã thả 2 người ra chiều hôm sau!
Công ty TNHH TM Quốc tế An Phúc, đơn vị mất 6 tấn hồ tiêu trước đó cho biết thêm, khi sự việc xảy ra công ty cũng đã viết đơn gửi khắp nơi từ Bến Cát về cảng Cát Lái - đoạn đường xe hàng vận chuyển, nhưng ở những nơi đó cho rằng, công ty ở TPHCM thì phải đưa về TP. Về TP chỉ xuống quận, quận chỉ lên TP. Đến giờ vẫn chưa biết đưa cho ai thụ lý (!). Bản thân Công ty TNHH TM Quốc tế An Phúc tự đi tìm hiểu sự thật và được biết, tại cảng Cát Lái có cân tổng thể số lượng xe khi vô hàng và khi xe không chạy ra cũng được cân trở lại và thấy trên tờ phiếu ghi số cân có sự chỉnh sửa. Đây là dấu hiệu có sự thông đồng của tài xế.
Do tình trạng này xảy ra với tần suất ngày càng nhiều nhưng không cách nào ngăn chặn, nên nhiều DN bị chùn chân. Vì kho hàng của các công ty kinh doanh nông sản thường ở các tỉnh, có khi ở Đắc Lắc về TPHCM trên 300km, không biết cách nào để vận chuyển hàng an toàn về tới cảng. Ngoài trường hợp tài xế thông đồng, ngay cả cử nhân viên đi cũng vẫn bị mất. Có trường hợp bọn ăn cắp nhảy lên xe, kề dao vào người tài xế bắt phải chạy đến địa điểm chuẩn bị trước. Hơn nữa, một ngày có công ty vận chuyển cả chục chuyến xe làm sao có đủ nhân viên để đi theo tất cả các xe.
Để tự bảo vệ tài sản cho công ty, theo kinh nghiệm của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, tình trạng bị mất hàng sau khi niêm phong chì xảy ra ở nhiều mặt mặt hàng nông sản, có doanh nghiệp bị mất cả trăm tấn. Vì vậy, cần hợp đồng cụ thể với một công ty vận chuyển, trong đó có những điều khoản cam kết chặt chẽ trách nhiệm trong qua trình vận chuyển, dù giá cước có thể cao, còn hơn là chấp nhận giá rẻ để gặp rủi ro. Nhờ đó, đơn vị của ông tránh được những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Sáng nay, Hiệp hội cây điều VN họp báo tại TPHCM về vấn đề này.
CÔNG PHIÊN
C14 Bộ Công an lập chuyên án điều tra L.C.Q. |