Đường sách TPHCM góp phần lan tỏa niềm đam mê văn hóa đọc trên cả nước
SGGPO
Từng bị nghi ngờ về khả năng thành công, Đường sách TPHCM vừa kỷ niệm 2 năm ngày chính thức đi vào hoạt động (9-1-2016) với sự vui mừng vì những thành tích đã đạt được trong thời gian qua và đã trở thành một biểu tượng của văn hóa đọc trong cả nước.
Một góc đường sách Đặng Thị Nhu năm 1979. Ảnh: ST
Đường sách là một mô hình văn hóa có lịch sử khá lâu dài, tại TPHCM, những đường sách đầu tiên đã có từ trước 1975 và trở nên rất phát triển những thập niên 80-90 của thế kỷ 20. Thế nhưng từ khoảng năm 2000, mô hình đường sách dần dần suy thoái, lép vế trước mô hình siêu thị sách hiện đại, đáp ứng nhu cầu mới của người dân TP. Tới những năm 2011 về sau, đường sách kiểu cũ ở TP gần như kết thúc vai trò lịch sử của mình. Tuy nhiên, cũng thời điểm này, những điểm yếu về tổ chức hoạt động văn hóa ở siêu thị sách cũng bộc lộ và lúc này một số chuyên gia về xuất bản đã nảy sinh ý định hồi sinh mô hình đường sách nhưng lại gặp bế tắc về hình thức tổ chức.
Giữa năm 2015, nhân dịp chuẩn bị Đại hội đại biểu đảng bộ TPHCM, một số chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản như ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch HXB Việt Nam, bà TS. Quách Thu Nguyệt, nguyên giám đốc NXB Trẻ đã đề xuất mở một đường sách theo mô hình mới, trong đó không đề cao việc mua bán mà nhấn mạnh đến hoạt động quảng bá văn hóa, giao lưu tổ chức các sự kiện văn hóa. Đề án đường sách này được trình lên lãnh đạo TPHCM và được thực hiện thử nghiệm vào Ngày sách Việt Nam 2015 tại đường Nguyễn Văn Bình, Q.1, TPHCM. Sau thành công của Ngày sách, đề án chính thức được đồng ý thực hiện theo mô hình xã hội hóa và do Sở TTTT TP cùng HXB Việt Nam (Văn phòng đại diện phía Nam) thực hiện.
Đường sách TPHCM nằm trên toàn bộ trục đường Nguyễn Văn Bình dài 400m thuộc Q.1, TPHCM, bao gồm 20 gian hàng cố định của các NXB, đơn vị làm sách trong nước cùng 2 gian cà phê sách và gần 20 gian sách di động. Vào thời điểm đó, có rất nhiều ý kiến nghi ngờ tính hiệu quả của Đường sách TPHCM, đặc biệt là khả năng đảm bảo doanh thu đủ để duy trì hoạt động cho các đơn vị. Thời gian thực hiện Đường sách TPHCM cũng được xem là kỷ lục khi chỉ mất khoảng 3 tháng từ khi được chấp thuận cho đến khi khánh thành. Thậm chí đường sách đã phải thi công xuyên đêm để hoàn thành tiến độ.
Biểu diễn nghệ thuật tại Đường sách TPHCM. Ảnh: XT
Ngay sau khi đi vào hoạt động, Đường sách TPHCM thu hút một lượng rất lớn bạn đọc, tuy nhiên sau vài tháng đầu tò mò, số bạn đọc đến đường sách giảm dần. Phải đến tháng thứ 6 kể từ khi mở cửa, với hàng loạt các hoạt động, sự kiện, chương trình… Đường sách mới lại dần tiếp tục thu hút bạn đọc và đến nay, Đường sách TPHCM đã trở thành một nét son văn hóa của TP, được chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa lớn nhất của TP trong năm 2016.
Song song với đó, số lượng bạn đọc đến với đường sách ngày càng tăng, năm 2016 con số này là 1,5 triệu người thì năm 2017 đã tăng lên 2,5 triệu người. Số sách bán ra và doanh thu cũng tăng mạnh, năm 2016 là 500 ngàn bản sách, thu 26 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã đạt gần 750 ngàn bản sách và khoảng 40 tỷ đồng. Cũng trong năm 2017, Đường sách TPHCM đã diễn ra 267 sự kiện sách, giao lưu tác giả, 31 cuộc trưng bày, triển lãm và 10 chương trình hoạt động chủ đề trong đó có nhiều hoạt động tạo hiệu ứng xã hội cao như kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga, Lịch xuân, Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11…
Đánh giá về hoạt động Đường sách, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu nhận định, Đường sách đã trở thành niềm tự hào của người dân TP, sự hiệu quả của Đường sách đã góp phần lan tỏa niềm đam mê văn hóa đọc trên cả nước.
Thành công của Đường sách TPHCM là biểu tượng của sự chung sức đồng lòng, từ sự đồng thuận của lãnh đạo TP, sự am hiểu và nhiệt tình của các cá nhân thực hiện, sự đồng lòng chung sức của các đơn vị tham gia và trên hết là tình cảm của người dân TP đối với Đường sách TPHCM. Đồng chí cũng đề nghị cần chú trọng liên tục cải tiến, phát huy thế mạnh, mở thêm nhiều hoạt động hấp dẫn để Đường sách TPHCM tiếp tục phát triển để giữ vững vai trò là nét son văn hóa của TPHCM.
Bạn đọc xếp hàng xin chữ trong một chương trình văn hóa tại Đường sách TPHCM. Ảnh: XT
Sau thành công của Đường sách TPHCM, hàng loạt địa phương cũng đã dự kiến triển khai đường sách, gần nhất của TP Vũng Tàu chuẩn bị đưa Đường sách Vũng Tàu nằm trên đường Ba Cu đi vào hoạt động thử nghiệm dịp Tết cổ truyền năm nay. Tại TPHCM dự kiến sắp tới sẽ có hai đường sách mới đi vào hoạt động là đường sách quận 7 trên đường Nguyễn Đổng Chi và đường sách Phạm Huy Thông.
Bạn đọc trẻ tại Đường sách TPHCM. Ảnh: DP
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, giám đốc Thái Hà Book thì sau một thời gian sáng Việt Nam học kinh nghiệm thì hiện nay, Myanmar cũng đang triển khai mô hình đường sách kiểu Đường sách TPHCM tại TP Yangon. Hiệp hội xuất bản Indonesia cũng vừa trình kế hoạch về mở đường sách tại nước này dựa trên kinh nghiệm của Đường sách TPHCM.