Đường sách Vũng Tàu: Bỏ thì thương, vương thì tội

UBND TP Vũng Tàu vừa có quyết định dừng hoạt động Đường sách Vũng Tàu với thời hạn phải tháo dỡ là trước ngày 20-10-2023. Như vậy, sau 5 năm hoạt động, một không gian văn hóa gắn với sách đã phải dừng lại khiến không ít người cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc.
Tặng sách cho các em học sinh tham gia hoạt động tại Đường sách Vũng Tàu
Tặng sách cho các em học sinh tham gia hoạt động tại Đường sách Vũng Tàu

Không gian vui chơi mở

Vào tháng 10-2018, với mục đích mở ra một không gian văn hóa đọc cho người dân cũng như tạo điểm đến cho du khách tham quan, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có Văn bản số 10885/UBND-VP cho phép thực hiện thí điểm dự án Đường sách Vũng Tàu.

Công trình bao gồm: 10 gian hàng sách, 1 gian hàng trà đạo, 2 gian hàng cà phê sách, 6 gian hàng văn hóa phẩm tổng hợp, 1 phòng điều hành và khu tổ chức sự kiện khoảng 200m2. Do được đầu tư khá khang trang, bài bản với nhiều không gian mở nên bước đầu Đường sách Vũng Tàu đã thu hút được đông đảo người dân và bạn đọc quan tâm.

Anh Bùi Văn Thắng (ngụ tại phường 4, TP Vũng Tàu) cho hay, Đường sách Vũng Tàu đã trở thành một điểm sinh hoạt văn hóa của đông đảo người dân, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của thành phố biển. Cuối tuần, thay vì vật vờ tìm điểm vui chơi cho trẻ nhỏ thì các gia đình có thể đến đây cho con vẽ tranh, đọc sách và thưởng thức các loại đồ uống. Nơi đây cũng thu hút nhiều bạn trẻ đến giao lưu, trò chuyện thay vì vùi đầu vào game hay các mạng xã hội.

Chị Vũ Thị Thanh Tâm (du khách đến từ TPHCM) chia sẻ: “Một trong những lý do khiến mình luôn muốn quay lại Vũng Tàu là bởi vì phố biển hiền hòa có Đường sách Vũng Tàu rất đẹp. Một buổi tối cách đây 3 năm, mình đứng ở nơi đây đọc truyện Chuột Him và những đứa trẻ đã nghe một cách rất chăm chú. Gần đây, khi hay tin đường sách phải đóng cửa, mình thực sự ngỡ ngàng và nuối tiếc. Tất nhiên, chính quyền có cái lý của họ, nhưng theo mình, nơi nào có không gian văn hóa đọc được đầu tư khuyến khích thì nơi đó sẽ phát triển chiều sâu về nhiều mặt”.

Gỡ khó cho đường sách

Không phải ngẫu nhiên UBND TP Vũng Tàu đi đến một quyết định như vậy. Theo địa phương, giai đoạn sau do tình hình kinh doanh sách giảm dần nên nhiều cửa hàng đã chuyển dần sang mô hình bán cà phê có trưng bày sách và không tập trung theo định hướng phát triển văn hóa đọc. Mô hình đi lệch hướng và chưa duy trì được hiệu quả về lan tỏa văn hóa đọc như mục tiêu thí điểm đề ra. Dù đã rất cố gắng, nhưng dự án gặp vướng mắc về đất đai, tài sản công và nhiều vấn đề khác liên quan nên chính quyền đành phải đóng cửa Đường sách Vũng Tàu. Sau khi dỡ bỏ đường sách ở Công viên Bãi Trước, UBND TP Vũng Tàu sẽ thực hiện dự án Công viên chuyên đề (công viên tri thức có bố trí không gian sách) để phát triển văn hóa đọc ở một vị trí trên đường Thống Nhất.

Chị N.N.L., quản lý của một cửa hàng sách tại Đường sách Vũng Tàu, cho biết, dù được ở vị trí đắc địa nhưng việc kinh doanh sách đang rất khó khăn do văn hóa đọc phải cạnh tranh gắt gao với các loại hình văn hóa giải trí khác nên việc bán sách không hề đơn giản. Kể cả khi mở thêm việc kinh doanh cà phê thì nhiều cửa hàng vẫn phải bù lỗ mới đủ chi phí hoạt động. Do đó, để duy trì mô hình, cần tái cơ cấu hoạt động của đường sách, trong đó có cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp để lan tỏa được văn hóa đọc trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

Ông Trương Quang Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ngôi Sao Biển Sài Gòn, chủ đầu tư dự án, cho biết, thời gian qua công ty đã cố gắng rất nhiều để duy trì và phát triển Đường sách Vũng Tàu. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và việc doanh thu bán sách giảm sút khiến hoạt động của đơn vị chưa như kỳ vọng. Để tiếp tục được hoạt động, công ty đã làm việc với các bên liên quan, trong đó có đề xuất một số giải pháp tái cơ cấu nhưng chưa được chính quyền chấp thuận. Đặc biệt, hiện cả nước có 5 đường sách đang hoạt động và có 4 được miễn tiền thuê đất, duy chỉ có Đường sách Vũng Tàu bị yêu cầu nộp tiền thuê đất.

Công ty TNHH Ngôi Sao Biển Sài Gòn vừa có công văn gửi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và các cơ quan liên quan trình bày những vướng mắc, khó khăn của Đường sách Vũng Tàu. Trong đó, công ty nêu rõ dự án chưa có pháp lý rõ ràng và không có sự ưu đãi cho doanh nghiệp nên ảnh hưởng đến sự phát triển của đường sách. Đáng chú ý, công ty đề nghị chuyển chủ đầu tư sang cho Sở TT-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để tránh việc doanh nghiệp phải nộp tiền thuê đất khi dự án tiếp tục hoạt động.

Tin cùng chuyên mục