Ngày 22-1, trong khuôn khổ Hội hoa xuân năm 2009 đã diễn ra chương trình họp mặt giữa cựu chiến binh bộ đội Trường Sơn và đoàn viên thanh niên TPHCM mang tên “Huyền thoại đường Trường Sơn”. Đây cũng là một trong những hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2009). Buổi họp mặt thật ấm áp với nhiều câu chuyện kể đầy xúc động của những bộ đội Trường Sơn một thời làm nên con đường huyền thoại.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bộ đội Trường Sơn là đơn vị xây dựng và quản lý, bảo vệ đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên Trường Sơn - tuyến đường huyết mạch vận chuyển “sức người, sức của” từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam đánh thắng kẻ thù xâm lược. Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Trưởng ban Liên lạc CCB Trường Sơn TPHCM nhớ lại: “Vào những năm tháng ác liệt ấy, tại đường Trường Sơn, mọi lực lượng, mọi phương tiện đều có thể tham gia đánh địch bảo vệ tuyến đường thông suốt ở bất kỳ tọa độ nào, thời điểm nào. Đó là hào khí của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Lạc quan yêu đời trong chiến đấu, hình ảnh người chiến sĩ bộ đội Trường Sơn là những hình ảnh thật xúc động trong trí nhớ của Thiếu tướng Phan Khắc Hy. Ông kể: Thanh niên tuổi mười tám đôi mươi đã sẵn sàng ra mặt trận, đang học cũng xếp bút nghiên lên đường. Trong cuộc chiến ác liệt ấy đã có những cuộc tình chớm nở rồi lại chia tay ra mặt trận.
Có những người lính trẻ tạm biệt người yêu là cô gái giao liên để ra trận, đến khi có dịp về lại cung đường tìm người yêu, thì chỉ còn gặp lại nấm mộ bên đường. Người lính ấy đặt một bông hoa thay cho nụ hôn tiễn biệt rồi lại vội vã ra đi... Có những chị em đã cống hiến tuổi thanh xuân ở các cung đường Trường Sơn, khi hòa bình, lại lỡ duyên phận. Nhiều chị em tập trung thành “làng không chồng”, sinh con để vui tuổi già. Ông bùi ngùi: “Đó là hy sinh thầm lặng không thể nào kể xiết…”.
Năm 1965, cô Đặng Thị Vân, cựu nữ Thanh niên xung phong có mặt ở tuyến lửa Trường Sơn. Cô kể lại: “Hôm ấy, khi máy bay địch ném bom làm tắc đường nơi cung đường tiểu đội tôi quản lý. Tiếng bom vừa dứt, cả tiểu đội ào ra khẩn trương vá đường. Công việc đang dang dở, bất ngờ máy bay trở lại. Chúng tôi quyết định ém quân tại chỗ, nếu “thoát” thì có thể tiếp tục công việc được nhanh hơn là chạy tìm chỗ ẩn nấp an toàn. Nhưng ở lại, nếu chúng nó tiếp tục ném bom, chắc chắn chúng tôi sẽ bị thương vong… Cuối cùng, sự dũng cảm của người lính Trường Sơn đã chiến thắng”.
Với nhà báo Đinh Phong, kỷ niệm về chuyến vượt Trường Sơn không bao giờ quên. Năm 1964, ông là một thành viên trong đoàn 300 người là bác sĩ, thầy giáo, nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ miền Bắc… chi viện cho chiến trường miền Nam. Ông nhớ lại những ngày tháng vượt Trường Sơn: Lúc ấy, đường Trường Sơn chỉ là một lối đi nhỏ.
Nếu hai đoàn cùng gặp nhau, một đoàn phải hụp đầu làm đường đi cho đoàn ngược lại. Phải hết sức bí mật, giữ nguyên tắc “đi không dấu, ở không lán, nấu không khói, nói không tiếng”. 3 tháng liền, cứ mỗi buổi sáng 5 giờ dậy nấu cơm ăn, ăn nửa “gô” cơm, nửa còn lại bỏ vào ba lô đem theo. 6 - 7 giờ tối đến điểm tập kết, mưa to gió lớn không có củi, các anh lính trẻ lại bò dưới các gốc cây, bẻ cây nào nghe tiếng “cắc” là đem về đốt nấu cơm vì là cây khô.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, gần 4 triệu tấn bom đạn đã trút xuống Trường Sơn. Đã có hàng ngàn cán bộ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nằm lại với tuyến đường. Điều đó luôn nhắc nhở những người đang sống, nhất là thế hệ trẻ, về truyền thống quang vinh của bộ đội Trường Sơn, những người đã làm nên “con đường huyền thoại” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp công lớn sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Thạch Thảo