EU chuẩn bị cho kỷ nguyên đại dịch

Nhằm chuẩn bị cho kỷ nguyên đại dịch, Liên minh châu Âu (EU) đã lên kế hoạch tăng cường hệ thống cảnh báo sớm với năng lực sản xuất 300 triệu liều vaccine trong 6 tháng đầu tiên khi xảy ra bất cứ trường hợp khẩn cấp y tế nào. 

Bên cạnh đó, vai trò của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) trong việc chuẩn bị và quản lý khủng hoảng liên quan đến thuốc và thiết bị y tế cũng được tăng cường.

Đối phó chủ động

Theo Ủy viên y tế EU, bà Stella Kyriakides, giới khoa học cho rằng, hiện là kỷ nguyên của đại dịch và một cuộc khủng hoảng y tế khác hoàn toàn có thể xảy đến. Do đó, EU cần đảm bảo sẵn sàng đối phó một cách hiệu quả. EU đã công bố một loạt đề xuất mới nhằm tăng cường khả năng ứng phó với các cuộc khủng hoảng mới, đồng thời thừa nhận khối này thiếu sự chuẩn bị và phản ứng ban đầu còn chậm chạp đối với đại dịch Covid-19. 

Để thực hiện, Hội đồng châu Âu ngày 17-6 đã đạt được thỏa thuận về dự thảo các quy tắc nhằm tăng cường vai trò của EMA trong việc chuẩn bị và quản lý khủng hoảng liên quan đến thuốc và thiết bị y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Bồ Đào Nha, Marta Temido nhấn mạnh: “Đại dịch Covid-19 tiếp tục tàn phá, chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn cho một cuộc khủng hoảng sức khỏe mới. Một cơ quan dược phẩm của châu Âu mạnh hơn sẽ đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này. Nó sẽ giúp chúng ta ngăn chặn tình trạng thiếu thuốc và các thiết bị y tế thiết yếu, phát triển thuốc nhanh chóng hơn để chống lại mọi căn bệnh gây ra khủng hoảng liên quan đến sức khỏe cộng đồng”.

EU chuẩn bị cho kỷ nguyên đại dịch ảnh 1 Bên trong một phòng nghiên cứu vaccine Covid-19 tại Đức
Các quốc gia thành viên đã chấp thuận những thay đổi đối với đề xuất ban đầu nhằm làm rõ các điều khoản bảo vệ tài chính và dữ liệu. Trong đó nhấn mạnh việc chuyển dữ liệu cá nhân theo quy định mới của EMA sẽ phải tuân theo các quy định chung về bảo vệ dữ liệu của EU. Các thay đổi khác chủ yếu liên quan đến thành phần và hoạt động của lực lượng đặc nhiệm khẩn cấp, đặc biệt là vai trò cố vấn của lực lượng này trong việc phát triển các thử nghiệm lâm sàng cho các loại thuốc nhằm đối phó với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe.

Giảm bớt lệ thuộc

 EU đã rút ra nhiều kinh nghiệm sau đại dịch Covid-19 và trong năm nay, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đưa ra hệ thống thu thập thông tin đại dịch mới nhằm phát hiện nguy cơ về y tế càng sớm càng tốt. EU lý giải, đây là một phần trong kế hoạch tăng cường sự sẵn sàng của toàn cầu, song cũng để giúp liên minh này giảm sự lệ thuộc vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Bên cạnh đó, EU còn muốn ít phụ thuộc hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu để sản xuất vaccine. Khối này đặt mục tiêu có đủ năng lực sản xuất 500-700 triệu liều vaccine/năm, trong đó 50% số liều vaccine (khoảng 300 triệu liều) này được sản xuất ngay trong 6 tháng đầu xảy ra đại dịch. 

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen còn tuyên bố, EU đặt mục tiêu xuất khẩu 700 triệu liều vaccine Covid-19 trước cuối năm 2021. Theo bà Ursula von der Leyen, tới nay EU đã đóng góp 3 tỷ EUR cho chương trình COVAX - cơ chế do WHO khởi xướng nhằm đảm bảo vaccine Covid-19 cho các nước thu nhập thấp. Ngoài ra, EU đã xuất khẩu 350 triệu liều vaccine, chiếm một nửa trong sản lượng của khối. Trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, EU đã tăng cường sản xuất vaccine mới theo cấp số nhân, nhưng cũng phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung, chủ yếu là do các hãng dược phẩm cắt giảm và chậm trễ trong việc giao hàng cũng như những hạn chế trong chuỗi cung ứng.

Người phát ngôn của EC cho biết, hãng vaccine Johnson & Johnson (J&J) có thể sẽ không cung cấp kịp thời hạn vaccine Covid-19 cho EU trong quý II, sau khi hàng triệu liều vaccine này đã bị cấm sử dụng tại châu Âu vì lý do an toàn. EU đã đặt tổng cộng 200 triệu liều vaccine J&J, nhưng đến nay EU mới nhận được 12 triệu liều. Động thái này có thể khiến kế hoạch tiêm chủng của EU tiếp tục chậm trễ dù trong khối chủ yếu đang sử dụng vaccine của Pfizer/BioNTech để tiêm chủng cho người dân. Đến nay, hơn một nửa dân số là người trưởng thành tại EU đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19. 

Tin cùng chuyên mục