Phản tác dụng
Các lệnh trừng phạt nặng nề của EU đã làm tồi tệ thêm mối quan hệ giữa EU và Mátxcơva. Nga đã trả đũa bằng cách thiết lập một lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến từ EU, hiện vẫn đang có hiệu lực. Lệnh cấm vận từ phía Nga cũng nhiều lần được gia hạn với thời gian là 6 tháng.
Viện Nghiên cứu kinh tế của Áo (WIFO) cho biết, các biện pháp trừng phạt kinh tế giữa EU và Nga từ đầu năm 2014 liên quan đến cáo buộc Mátxcơva có vai trò trong cuộc xung đột Ukraine đã khiến xuất khẩu của EU sang thị trường Nga tính đến năm 2016 giảm 10,7%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của EU sang thị trường Nga trong năm 2013 là 120 tỷ EUR (140 tỷ USD), đã giảm xuống chỉ còn 72 tỷ EUR (84 tỷ USD) vào năm 2016. Nga đã bị đẩy từ vị thế là đối tác thương mại quan trọng thứ tư của EU xuống vị trí thứ năm, đứng sau Mỹ, Thụy Sĩ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Lệnh trừng phạt từ phía Nga đã tác động nhiều nhất tới xuất khẩu nông phẩm và thực phẩm của EU (làm sụt giảm 22,5%). Ngoài ra, xuất khẩu các sản phẩm chế tạo, đặc biệt là ô tô, giảm 17,7%; xuất khẩu nguyên liệu thô, nhất là sắt và thép, giảm khoảng 15%. Riêng đối với Áo, các lệnh trừng phạt kinh tế ước làm xuất khẩu của nước này sang Nga giảm 9,5% và gây thiệt hại khoảng 1 tỷ EUR (1,17 tỷ USD).
Nước được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất là Cyprus. Xuất khẩu của nước này sang Nga trong các năm 2014-2016 giảm 34,5%. Hoạt động thương mại của Hy Lạp và Croatia cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với xuất khẩu sang Nga giảm lần lượt 23,2% và 21%.
Trước khi quan hệ EU - Nga rạn nứt, thương mại giữa hai bên khá ổn định, xuất khẩu của EU sang thị trường Nga tăng khoảng 23,5%/năm từ năm 2009-2012.
Thiệt hại nặng
Bản báo cáo đặc biệt của Liên hiệp quốc (LHQ) về tác động tiêu cực của những biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga công bố gần đây cho thấy, nền kinh tế EU thiệt hại 3,2 tỷ USD/tháng, và đến nay thiệt hại đã lên tới hơn 100 tỷ USD. Mặc dù trong bối cảnh bị bao vây cấm vận và giá dầu mỏ sụt giảm mạnh, song Chính phủ Nga vẫn thực hiện được chính sách kinh tế hiệu quả, thích nghi với thực tế mới và tổng số thiệt hại của nền kinh tế Nga chỉ ở mức 55 tỷ USD.
Trong khi đó, ở bên kia bờ Đại Tây dương, gói các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ nhằm vào Nga cũng khiến thiệt hại của EU trầm trọng hơn. Theo quy định mới, Washington có thể phạt các công ty nước ngoài nếu tham gia vào các dự án liên quan đến đầu tư, bảo trì, sản xuất trang thiết bị cho các đường ống dẫn khí đốt của Nga, trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc-2. Đứng trước thực tế đáng lo ngại này, giới doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt là Đức, kêu gọi giới lãnh đạo chính trị và ngoại giao nỗ lực ngăn chặn việc siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Mặc dù lo ngại những hậu quả trực tiếp cũng như gián tiếp đối với hoạt động kinh doanh của mình, song 3/4 số người được hỏi (72%) cho biết có kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Nga ở mức như trước đây, thậm chí 15% số người được hỏi còn lên kế hoạch đẩy mạnh hoạt động và tăng cường đầu tư vào thị trường Nga.
Các công ty của Đức thì cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga thúc đẩy lợi ích của Mỹ, đồng thời lên tiếng kêu gọi EU và Chính phủ Đức cần có những biện pháp cần thiết để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu nói chung và doanh nghiệp Đức nói riêng.