
Sau thành công của 4 kỳ tổ chức trước, Festival Huế 2008 diễn ra từ ngày 3 đến 11-6, được chia làm 3 tuyến chính. Mỗi tuyến sẽ thiết kế một ngày hội đặc trưng với nhiều hoạt động độc đáo. Festival này, các lễ hội được xây dựng theo hướng giảm tính sân khấu hóa để tăng sự hấp dẫn công chúng và thu hút du khách...
Tái hiện các lễ hội đặc sắc
Lễ đăng quang của Hoàng đế Quang Trung tái hiện việc vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ san đắp ngọn núi Bân để làm đàn tế trời và lên ngôi Hoàng đế, quy tụ lòng dân trước khi hành quân ra Bắc đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lễ hội này sẽ được dàn dựng thành một đại cảnh quy mô với khoảng 1.000 nhân vật cùng voi, ngựa, binh khí... Từ năm 2007, Huế đã lập ban dự án tôn tạo khu vực núi Bân rộng 23 ha làm không gian cho lễ hội. Cho đến thời điểm này, kịch bản chi tiết của lễ hội đã được hoàn thiện. Dưới tay đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng của Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM, lễ hội sẽ thể hiện và tôn vinh truyền thống hào hùng, bất khuất của dân tộc.

Lộng lẫy Lễ hội áo dài trong Festival Huế.
Lễ tế Xã Tắc là một nghi lễ cung đình quan trọng dưới thời Nguyễn tế thần Đất (Xã) và thần Ngũ Cốc (Tắc) với mong ước mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.
Trong Festival 2008, tuy lần đầu tiên được tái hiện nhưng lễ tế Xã Tắc sẽ được tổ chức khá quy mô với hơn 400 người tham gia, có đầy đủ đạo cụ, phục trang, nghi trượng, cờ phướn và đầy đủ các nghi thức truyền thống.
Lễ tế đàn Nam Giao là môt đại lễ được tổ chức hết sức tôn nghiêm dưới triều Nguyễn với mục đích cầu quốc thái dân an, cũng sẽ được tái hiện một cách chân xác.
Lễ nhạc cung đình được phục hồi nguyên vẹn cùng với 128 bộ y phục vũ công múa Bát dật Văn và vũ công Bát dật Võ vừa được nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi nguyên mẫu cũng phô diễn vẻ đẹp trong lễ tế này.
Tái hiện lễ thi Tiến sĩ Võ được xác định là nhằm tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ. Theo sử liệu, dưới triều Nguyễn, triều đình từng tổ chức 3 kỳ thi Tiến sĩ Võ, mỗi kỳ kéo dài khoảng 1 tháng tại kinh đô Huế. Trong khuôn khổ 3 tiếng đồng hồ, lễ hội thi Tiến sĩ Võ tại Festival Huế 2008 tái hiện kỳ thi chung khảo dưới dạng một lễ hội cách điệu. Các võ sư tên tuổi ở nhiều vùng trong cả nước sẽ được mời vào vai các thí sinh. Công chúng và du khách sẽ được chiêm ngưỡng tinh hoa võ thuật Việt Nam qua biểu diễn của các võ sư.
Khám phá “Huyền thoại sông Hương”
Chương trình “Huyền thoại sông Hương”, một tuyến du lịch được cho là rất mới và ấn tượng lần đầu được tổ chức trong Festival. Lễ hội Huyền thoại sông Hương cũng là một sản phẩm du lịch hoàn toàn mới nhằm phục vụ du lịch. Sẽ có một tuyến du lịch kéo dài từ phía thượng nguồn về miền hạ lưu để du khách đến với Festival Huế lần này được khám phá dòng sông Hương nổi tiếng xinh đẹp và giàu huyền thoại.
Du khách sẽ được ngắm bình minh và hoàng hôn trên sông Hương, thưởng thức tiệc cung đình trên thuyền và tham dự chương trình dạ nhạc tại bến Phu Vân Lâu. Để chuẩn bị cho tuyến du lịch này, Trung tâm Bảo tồn di tích chi hơn 3 tỷ đồng để phục dựng một chiếc thuyền cung đình. Chiếc thuyền dài 27m, rộng 6,5m, có thể chở 100 khách. Cùng với một số hoạt cảnh trên bờ, con sông Hương thơ mộng bắt đầu từ phía thượng nguồn sẽ trở thành sân khấu thiên nhiên khổng lồ. Không chỉ tái hiện những huyền thoại, một phần đời sống thực của con sông với cảnh chài lưới, những con thuyền nan vang vọng tiếng hò, những đứa trẻ thả diều trên mui thuyền hay cảnh họp chợ trên sông... sẽ được dàn dựng một cách tự nhiên để gần với đời thực.
Các lễ hội Đêm Hoàng Cung, lễ hội áo dài cũng góp thêm sắc màu cho Festival Huế 2008. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2008 cho biết, Festival Huế 2008 tiếp tục được xây dựng theo hướng khai thác, phát huy các di sản văn hóa Huế, việc xây dựng các lễ hội quy mô có tính lịch sử trên theo hướng ngày càng hoàn thiện còn nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của cố đô Huế.
PHAN LÊ
Hơn 300.000 du khách sẽ tham dự Festival Huế 2008 V.V.THẮNG 160 bô lão của 8 làng tham gia Lễ tế Nam Giao PH.LÊ Khởi công dựng tượng Anh hùng dân tộc Quang Trung PH.LÊ Đoàn viên thanh niên hiếm máu tình nguyện H.XUÂN |