Sau 10 ngày thực thi Luật Công chứng

Gánh nặng chứng thực chuyển xuống phường, xã…

Sáng thứ hai đầu tuần, đi vòng qua một số trụ sở phường, xã, dễ thấy đâu đâu cũng đông nghẹt người xếp hàng chờ đợi chứng thực bản sao giấy tờ các loại. Vì sao có tình trạng quá tải như vậy?

Quan sát xung quanh, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều ông bố, bà mẹ và cả những thanh niên trẻ đang chờ đợi chứng thực bản sao sổ hộ khẩu, bằng tốt nghiệp, giấy CMND… Anh Nguyễn Văn Hữu, ngụ tại khu phố 7, đường Trường Chinh, phường 12 quận Tân Bình cho biết: “Sắp vào năm học mới, tôi phải đi chứng thực bản sao hộ khẩu, giấy CMND, giấy khai sinh… để chuẩn bị hồ sơ đăng ký cho con đi học”.

Anh Võ Đức Chính, cán bộ Văn phòng UBND phường l2, cho biết: “Sau khi Luật Công chứng có hiệu lực, việc chứng thực tại UBND phường trở nên... “quá tải” vì lượng người đến chứng thực tăng gấp đôi so với trước. Trước đây người dân thường đến các phòng công chứng hoặc UBND quận, huyện để chứng thực chữ ký, bản sao bằng tiếng Việt, bây giờ công việc này đổ về phường, xã nên chứng không kịp”.

Tương tự, tại khuôn viên chật hẹp của trụ sở UBND phường 2 quận Tân Bình, lượng người và xe đến chứng thực quá đông nên phải tạm giữ xe cả ngoài đường. Theo anh Đặng Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường 2, dân số phường rất đông (hơn 31.000 người) nên đây được xem là một trong những “điểm nóng” của quận về dân số lẫn công việc chứng thực. Do trụ sở phường tọa lạc gần cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất nên việc chứng thực bản sao song ngữ, tạm trú, tạm vắng... luôn nhiều hơn phường khác. Đó là chưa kể các loại giấy tờ cần chứng thực khác như giấy phép đăng ký kinh doanh, KT3, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, nhà đất, hồ sơ nhận lương hưu, xác nhận chữ ký làm hồ sơ nhà đất… cũng tăng đột biến.

Hiện nay, mỗi ngày phường phải chứng thực khoảng 100 bản sao y các loại và bình quân mỗi tháng, nhân viên phường phải chứng thực hơn 3.000 bản sao các loại. Gần đây, khi Luật Cư- trú có hiệu lực, người dân nhập cư- đổ xô đi làm giấy KT3 để đợi năm sau làm thủ tục nhập hộ khẩu vào TP khiến cho áp lực công việc ở phường, xã vốn đã nặng lại càng nặng hơn.

Tại UBND các phường thuộc địa bàn các quận 3, Phú Nhuận, việc chứng thực tại đây cũng gia tăng nhưng không đến nỗi quá tải như các quận có đông dân cư­. Anh Thanh Bạch, Phó Chủ tịch UBND phường 12 quận Phú Nhuận, nêu cái khó là làm sao tránh khỏi sai sót trong quá trình chứng thực các văn bằng, giấy tờ giả mạo tinh vi? Cũng theo anh, phải có chuyên môn nghiệp vụ lẫn kinh nghiệm và phương tiện hiện đại mới xác định được đâu là văn bằng thật và giả. Đây cũng là trách nhiệm nặng nề đối với nhân viên chứng thực ở phường, xã trong thời gian tới. Một cái khó nữa là công việc chứng nhận bản sao song ngữ. Công việc này đòi hỏi phải có người dịch thuật nên người dân bị hành chạy ngược chạy xuôi - vừa lên quận phiên dịch vừa chạy về phường công chứng cả hai loại chữ ký này!? Thế nhưng, đến giờ này Phòng Tư pháp của các quận, huyện vẫn chưa có con dấu nên mọi chứng thực liên quan đến tiếng nước ngoài, nhất là hợp đồng kinh tế, đều bị ách lại.

Muốn được việc, người dân phải quay về các phòng công chứng để được chứng thực theo quy trình cũ. Rõ ràng “gánh nặng” về cả công việc và trách nhiệm đã được chuyển từ các phòng công chứng về UBND phường, xã, thế nhưng nhân sự để giải quyết công việc mới này kèm chế độ lương bổng không hề tăng. Đây chính là nghịch lý cần được các ngành chức năng ở TP xem xét, tháo gỡ. 

MINH NGỌC

Tin cùng chuyên mục