Gặp gỡ cuối tuần

Hồ Thi Ca:Thơ cho tôi nhìn sự đời nhẹ nhàng
Gặp gỡ cuối tuần

Nhà thơ, nhà báo Hồ Thi Ca:
Thơ cho tôi nhìn sự đời nhẹ nhàng

Gặp gỡ cuối tuần ảnh 1

Năm 1981 Hồ Thi Ca tốt nghiệp Đại học Sư phạm và về công tác tại Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, hiện nay là thư ký tòa soạn báo Điện tử Việt Nam Net. Hồ Thi Ca làm thơ từ rất sớm, nên dù khá bận rộn với công việc làm báo, đến nay anh đã cho ra đời 2 tập thơ: Đám mây cầu vồng, Thơ dưới vòm lá và cả một tiểu thuyết: Bay đi thoáng mây buồn, 2 tập truyện: Vụ án hoàng tử Bé, Xin lỗi người dưng.

Có thể xem như một dấu ấn trong cuộc đời làm thơ của Hồ Thi Ca, là vào năm anh mới ra trường, hưởng ứng cuộc thi sáng tác kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước do báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TNCS TPHCM phát động, anh đã gửi dự thi bài thơ “Dấu chân phía trước” đầy chất hồi tưởng cùng lòng biết ơn vô vàn với một con người đã dành trọn cuộc đời mình, bôn ba khắp bốn biển năm châu để học hỏi, tìm đường đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Bài thơ đã được trao tặng giải nhì cuộc thi và sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc với một giai điệu đầy chất sử thi, hùng tráng với lời hát mở đầu… Khi tôi còn là hạt bụi, Người đã lên tàu đi xa, Khi quê hương còn chìm nổi… mà về sau này, trong những dịp lễ kỷ niệm về Bác Hồ, nhiều đơn vị vẫn thường chọn bài hát này để dựng nên những màn hợp xướng khá hay. Và không chỉ có “Dấu chân phía trước”, với “Sài Gòn nắng-Sài Gòn mưa” của anh, do nhạc sĩ Kiều Tấn phổ nhạc cũng là một bài hát hay về thành phố thân thương của mình.

Nói về “chất văn nghệ sĩ” trong nghề làm báo của mình, Hồ Thi Ca cho rằng hai dòng chảy này trong anh, như vừa hòa hợp và bổ sung cho nhau. Con mắt nhà báo cho anh cái nhìn về phía sự đời để thu nhận những vốn sống cho văn chương và ngược lại chất văn chương giúp anh cảm nhận và thể hiện những điều bằng ngôn ngữ báo chí một cách nhẹ nhàng và anh nghĩ đây là điều hết sức thuận lợi với mình.

Hiện nay, Hồ Thi Ca vẫn vừa làm báo và vừa làm thơ và đang chuẩn bị ra mắt một tập thơ mới…

Nhà biên kịch, nhà báo Nhất Mai:
Quãng đời làm báo là đẹp nhất

Gặp gỡ cuối tuần ảnh 2

Tốt nghiệp khoa Biên kịch Trường Đại học Điện ảnh Hà Nội, chị về công tác tại Hãng phim Giải Phóng, nhưng kịch bản đầu tiên “Chiếc vỏ sò màu đỏ” chị lại viết cho kịch truyền hình. Sau đó, Nhất Mai chuyển sang làm việc tại Báo Điện ảnh TPHCM với công việc của một phóng viên phụ trách trang Điện ảnh VN. Thời gian công tác tại báo, những bài viết bình luận phim của chị được mọi người trong giới chú ý và đánh giá cao.

Đến năm 1996, chị chuyển công tác về Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu với vai trò trưởng phòng biên tập. Đây là khoảng thời gian chị cống hiến nhiều nhất và cũng là nơi công tác lâu nhất với số lượng kịch bản được sáng tác liên tục. Trong đó có phim tài liệu “Hoàng Việt – Tình ca năm tháng”, đoạt giải thưởng của Hội Điện ảnh VN. Kịch bản phim điện ảnh “Người học trò đất Gia Định xưa”, đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi mừng TP 300 năm.

Chị quyết định viết kịch bản “Người học trò đất Gia Định xưa” xuất phát từ lòng kính trọng cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, mà trên hết là chị vô cùng cảm kích mối tình cao quý và đầy kịch tính của nhà thơ với người vợ thủy chung Lê Thị Điền. Hơn nữa, chị còn thích cá tính trung thực mạnh mẽ của cụ đồ. Ngoài đời, Nhất Mai rất thích mẫu người đàn ông có cá tính này, vì theo chị đó thường là người yêu-ghét rõ ràng, yêu hết lòng, mà ghét cũng hết lòng.

Dù thời gian thực sự tham gia viết báo không nhiều, nhưng với chị quãng đời làm báo là quãng đời đẹp nhất, có nhiều kỷ niệm nhất, kể cả tình yêu. Hàng năm, cứ đến Ngày nhà báo chị lại thấy bùi ngùi và hay viết một mẩu cảm xúc nhỏ nào đó trong quyển ghi chép của mình. Hiện nay ngoài công việc viết kịch bản và biên tập tại Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu, thỉnh thoảng chị vẫn gửi truyện ngắn đăng báo.

Chị tâm tình: “Viết báo và viết kịch bản là hai loại hình khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau. Báo đem lại vốn sống cho người sáng tác, số vốn sống càng tích lũy, chất lượng nội dung sáng tác càng phong phú. Người làm báo cần xông xáo, năng động, nhạy bén, ứng biến nhanh. Còn người viết kịch bản phải biết chọn lọc, nhào nặn cảm xúc. Giá trị bài báo mang tính thời sự, tạo hiệu ứng nhanh, phổ biến, trong khi đó giá trị của một kịch bản có thể tồn tại trong một thời gian dài.

Được hỏi về việc có lời khuyên nào cho lớp phóng viên trẻ hiện nay, chị cười: “Làm sao dám khuyên, vì mỗi thời mỗi khác. Có điều, nhu cầu cuộc sống càng cao, giá trị về đạo đức nghề nghiệp phải càng lớn”. 

HUY MIÊN - NHƯ NGUYỆT
 

Tin cùng chuyên mục