Đơn khiếu nại: Miễn nhận (?!)
Mới đây, bà Ngô Thị Hoàng Anh (quận Tân Phú, TPHCM) đến Bưu cục Tân Phú gửi đơn thư yêu cầu giải quyết công việc đến TAND TPHCM. Bà muốn ghi rõ tiêu đề đơn thư trong phần nội dung in ở biên nhận gửi thư, nhưng nhân viên bưu điện từ chối. Do để đảm bảo thời hạn, bà Hoàng Anh đành chấp nhận bỏ trống phần “nội dung” trên vận đơn của bưu điện cấp cho bà.
Là luật sư, bà Hoàng Anh thường thay mặt thân chủ gửi đơn thư trực tiếp qua bưu điện đến cơ quan chức năng. Nhưng, chỉ riêng việc gửi đơn qua dịch vụ bưu chính chuyển phát của Bưu điện TPHCM đã gặp muôn vàn khó khăn. Cụ thể, giao dịch viên bưu điện không nhận chuyển thư khi người gửi ghi vào phần nội dung bưu kiện là đơn khởi kiện, đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kêu oan…
Trong khi đó, nếu sử dụng dịch vụ chính chuyển phát của Viettel thì được khai báo phần nội dung bưu phẩm, được ghi rõ gửi đơn khiếu nại, thư phản ánh, tố cáo. Tuy nhiên, điều trái khoáy là nhân viên của Viettel nhất định yêu cầu người gửi phải ghi số điện thoại cá nhân của người nhận.
Cũng từ đây, quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Đơn cử, mới đây, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an), điều tra một vụ án, bắt người đứng đầu một công ty bất động sản. C03 đăng thông tin trên báo chí và đề nghị người dân ai có thông tin, bằng chứng liên quan thì gửi về C03. Đọc tin, ông N.V.P (quận Tân Phú), chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, chứng cứ và mang ra một bưu cục của Viettel để gửi cho C03. Thế nhưng, do chỉ biết được tên, địa chỉ của C03 và không biết được tên người đứng đầu đơn vị, hay cá nhân nào cùng số điện thoại cá nhân của người nhận, nên hồ sơ gửi qua dịch vụ của Viettel đã bị trả lại.
“Người dân làm sao biết được số điện thoại cá nhân của người đứng đầu, hay tên và điện thoại cá nhân người nhận thư từ của các cơ quan, đơn vị? Chẳng lẽ, không có số điện thoại thì không thể gửi một bức thư công việc sao? Mà nếu có, chẳng lẽ người đứng đầu đơn vị sẽ bị điện thoại ra cổng nhận đơn thư?”, người đại diện của ông N.V.P. bức xúc.
Ảnh hưởng quyền lợi người dân
Về phản ánh nhân viên bưu điện không cho ghi đơn khởi kiện, khiếu nại, tố cáo, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Giám đốc Bưu điện TPHCM cho hay, theo Luật Bưu chính, bưu điện không kiểm tra các bưu gửi có nội dung là thư, tài liệu. Điều 30 luật này cũng quy định, người gửi chịu trách nhiệm trước pháp luật về bưu gửi. Việc người gửi ghi nội dung khi gửi thư trên phiếu gửi chỉ là ghi chú và tự chịu trách nhiệm về nội dung.
Ông Phan Thanh Tuấn, Phó ban phụ trách Ban Tiếp công dân TPHCM, cho biết, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Ban Tiếp công dân TPHCM bằng đường bưu điện chiếm hơn 50%, cao hơn số đơn thư gửi trực tiếp. Các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi qua đường bưu điện đều được ban tiếp nhận, xử lý và phản hồi tới người dân theo quy định. Trường hợp, đơn gửi qua đường bưu điện chỉ ghi “gửi Ban Tiếp công dân TPHCM” và không ghi tên, số điện thoại người nhận thì ban vẫn tiếp nhận, xử lý bình thường như đơn gửi đến trực tiếp. Ở bước xử lý, ban xem xét nếu thuộc thẩm quyền, trách nhiệm thì giải quyết theo quy trình tiếp nhận giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo theo luật. Trường hợp không đúng thẩm quyền, trách nhiệm thì ban có văn bản trả lời và hướng dẫn người dân gửi đến đúng địa chỉ. |
Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh phân tích, các quy định hiện hành cho phép công dân được quyền xác lập quyền pháp lý bằng cách gửi đơn qua đường bưu điện. Việc xác định ngày giờ gửi một yêu cầu pháp lý là rất quan trọng. Nó xác định sự kiện pháp lý, thời hiệu cùng các vấn đề khác. Do đó, trước thực tế hiện nay, các cơ quan, đơn vị cần chấn chỉnh lại công tác tiếp nhận đơn thư qua bưu điện. “Các cơ quan, đơn vị cũng cần tạo thuận lợi cho người dân bằng cách yêu cầu bộ phận văn thư, trực ban tiếp nhận xử lý các đơn thư gửi đến cơ quan, đơn vị mình mà không đòi hỏi người gửi phải ghi tên và số điện thoại người đứng đầu đơn vị, hay người nhận thư”, luật sư Ngô Thị Hoàng Anh kiến nghị.
Tương tự, luật sư Lâm Quang Quý (Đoàn Luật sư TPHCM) cũng đề nghị, bưu điện nhà nước cần để người dân ghi nội dung đơn thư gửi vào biên nhận gửi thư. Đây là cơ sở cho người gửi, người nhận xác lập hồ sơ và xử lý các bước theo quy định. Cũng thường xuyên gửi đơn thư qua bưu điện, luật sư Quý cho biết, dù gửi thư đảm bảo nhưng các cơ quan ít khi trả lời, nên phải gửi thư nhiều lần. Các biên nhận được lưu lại để cần thiết, như ra tòa trình chứng cứ chứng minh đơn vị, cơ quan liên quan đã vi phạm tố tụng. Vì vậy, luật sư Quý đề nghị, cơ quan chức năng khi tiếp nhận đơn thư cần trả lời cho người dân theo quy định để đảm bảo quyền lợi của người dân, mà cũng không vi phạm pháp luật.
Thạc sĩ NGUYỄN VĂN TRÍ - Trường Đại học Luật TPHCM Cản trở quyền khiếu nại, tố cáo của ngườidân |