
Nghị lực vươn lên, vượt qua số phận để trở thành sứ giả văn hóa đặc biệt của Việt Nam - Nhật Bản đối với chị Trần Phương Liên là một thách thức lớn. Cuộc đời của Trần Phương Liên là một thông điệp cho tất cả các bạn tật nguyền: Dù khó khăn vất vả nhưng nếu có ước mơ và hoài bão lớn thì nhất định sẽ trở thành người có ích cho xã hội.
- Người hiếm có
Tôi biết chị Phương Liên qua Megumi, một cô gái người Nhật Bản đang làm việc ở Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Huế. Khâm phục trước khả năng tiếng Nhật hiếm có của Phương Liên, Megumi gọi Phương Liên là sứ giả văn hóa Việt Nam - Nhật Bản. Chị là một người phụ nữ xinh đẹp, thông minh, tầm 50 tuổi, ngồi trên chiếc xe lăn, dạy tiếng Nhật cho các học sinh chuẩn bị " Đông Du" sang Nhật Bản.

Năm Phương Liên lên 4 tuổi, một trận sốt nặng đã làm đôi chân chị bại liệt. Từ đó, mỗi ngày chị đến trường trên… lưng bạn bè. Học xong THPT Hai Bà Trưng ở thành phố Huế, chị quyết tâm thi vào đại học.
Trúng tuyển nhưng theo quy chế, sức khỏe như Phương Liên không được học đại học. Thương người học sinh tuy tàn tật nhưng có hoài bão lớn lao, thầy hiệu phó của Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học) lúc ấy là ông Nguyễn Quốc Lộc, phải ra Hà Nội gặp bộ trưởng để xin cho chị được học.
Tốt nghiệp đại học, chị đi rất nhiều nơi để xin việc mà không một cơ quan nào nhận chị vào làm việc. Một lần chị tìm đến Đài Truyền hình Huế xin được vào thử việc ở bộ phận phát thanh viên. Ông trưởng phòng tổ chức cán bộ thấy khả năng của chị nên nhận vào làm việc. Khi đề xuất lên giám đốc đài thì tên chị bị gạt phăng vì lý do: Sức khỏe kém…
Cuối cùng chị trở về nhà, mở quán bán thuốc lá, đổ xăng lẻ, đánh máy chữ… ở lề đường Bến Nghé để kiếm tiền nuôi thân nhưng vẫn luôn khát khao một việc làm.
Thế rồi, ngày 2-9-1986, chị quyết định viết thư gửi Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nội dung bức thư chị nói rằng là một người tàn tật, bằng nỗ lực vươn lên của bản thân chị đã tốt nghiệp đại học. Nhưng ở Huế, chị đến xin việc nhiều cơ quan mà buồn thay, chẳng có nơi nào đồng ý nhận chị vào làm việc. Chị cần có một việc làm để cống hiến chút sức mọn của mình cho xã hội và cần được đối xử công bằng như mọi người có học khác.
Chỉ mấy hôm sau khi gửi thư, chị đã nhận được hồi âm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, phê vào lá thư của chị với lời lẽ hết sức ân tình: " Anh Vũ Thắng. Mong anh giải quyết trường hợp đáng thương này…". Ký tên Tô ( một tên gọi thân mật khác của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng). Ông Vũ Thắng lúc ấy là Bí thư tỉnh Bình Trị Thiên đã chỉ đạo UBND thành phố Huế giải quyết cho chị một công việc ở hợp tác xã thủ công, đó là một quầy bán hàng tại chợ Đông Ba.
Chị Phương Liên chùng giọng nhớ lại: "Nhận được hồi âm của bác Phạm Văn Đồng tôi rất xúc động. Bận đến trăm công ngàn việc của đất nước nhưng bác vẫn dành sự quan tâm đến từng con người bị thiệt thòi như tôi".
Thế nhưng, tàn tật như chị làm sao bươn chải được với dân buôn ở chợ, chị quyết định không nhận quầy hàng này. Thế rồi, chị lại ở nhà tiếp tục bán thuốc lá, đan len và tự học tiếng Nhật.
- Ngôn ngữ kết nối những người sống đẹp …
Khi tự học được khá khá về tiếng Nhật, chị tìm đến lớp dạy tiếng Nhật đăng ký vào học bài bản. Tại lớp học tiếng Nhật, quý mến chị, các giáo viên người Nhật đã dạy bảo chị rất tận tình. Chỉ sau 2 năm, chị đã có thể đứng ra mở lớp dạy tiếng Nhật cho người Việt Nam và dạy tiếng Việt Nam cho người Nhật.
Hơn 10 năm qua, có hàng ngàn học trò đến học các lớp tiếng Nhật của chị. Cũng từ căn phòng nhỏ này ra đi, học sinh tiếng Nhật của chị hôm nay có mặt khắp thế giới. Chị kể hôm sang Nhật, chị cũng gặp các học sinh của mình. "Các em vòng tay chào mà mình thấy hạnh phúc vô cùng, dù tôi chưa qua một trường lớp sư phạm nào. Tôi xem việc dạy học là một công việc rất phù hợp với bản thân mình".
Bây giờ, không chỉ dạy tiếng Nhật, chị còn là ủy viên của Hội Ái hữu Nhật - Việt góp phần vào việc truyền bá văn hóa Việt Nam đến xứ sở hoa anh đào. Không ít các nhà nghiên cứu văn hóa, du khách là người Nhật Bản, khi đến Huế họ đều tìm đến chị để thăm hỏi và giao lưu. Nhiều lần chị được mời sang Nhật Bản để nói chuyện về văn hóa Việt Nam. Niềm vui lớn nhất của chị là đứa con gái duy nhất Mai Hoài Giang học rất giỏi. Hiện Giang đang là sinh viên năm thứ tư tại Đại học Châu Á - Thái Bình Dương (ở Nhật Bản). Năm học 2006 - 2007, Hoài Giang đạt thành tích đứng đầu khóa học của trường.
LAM KHANH