Gây tai nạn giao thông làm chết người: Phải xử lý thật nghiêm

Tính đến cuối tháng 11-2011, trên địa bàn TPHCM xảy ra 921 vụ tai nạn giao thông, giảm 45 vụ, làm chết 776 người, giảm 9 người so với cùng kỳ năm 2010. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM nhận xét, tai nạn giao thông vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ngày 12-12-2011 vừa qua chính là hồi chuông nhắc nhở. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường về vấn đề này.
Gây tai nạn giao thông làm chết người: Phải xử lý thật nghiêm

Tính đến cuối tháng 11-2011, trên địa bàn TPHCM xảy ra 921 vụ tai nạn giao thông, giảm 45 vụ, làm chết 776 người, giảm 9 người so với cùng kỳ năm 2010. Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM nhận xét, tai nạn giao thông vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trên đường Nguyễn Hữu Cảnh ngày 12-12-2011 vừa qua chính là hồi chuông nhắc nhở. Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường về vấn đề này.

Một người dân với xe bị cán đinh phải dắt bộ trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Một người dân với xe bị cán đinh phải dắt bộ trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: ĐỨC THÀNH

 ° Phóng viên: Vụ tai nạn giao thông gây ra cái chết đau thương cho 4 người cùng một gia đình trên đường Nguyễn Hữu Cảnh vừa qua khiến dư luận bàng hoàng? 

 ° Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Đó là sự cảnh báo tình trạng coi thường pháp luật, coi thường mạng sống người khác của những người cầm lái trên đường. Tài xế chiếc ô tô gây tai nạn là một lái xe chuyên nghiệp, ông ta hẳn biết rất rõ tác hại của rượu bia đối với việc điều khiển xe. Đó là điều không thể tha thứ được. Để không còn những cái chết oan uổng như vậy, tôi nghĩ đã đến lúc phải coi hành vi coi thường pháp luật, coi thường mạng sống con người như thế là hành vi giết người và phải được xét xử với mức phạt thật nghiêm khắc để răn đe, ngăn chặn những hành vi tương tự xảy ra. Chúng ta phải xem đây là bài học xương máu cho những ai đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe.

° Hình như chưa có tài xế nào bị truy tố trách nhiệm hình sự với hình phạt cao nhất là tử hình cho tội lái xe ẩu gây chết người, thậm chí làm chết rất nhiều người?

° Theo các quy định hiện hành, mức phạt cao nhất đối với hành vi lái xe gây tai nạn đặc biệt nghiêm trọng là 15 năm tù giam. Có lẽ do tâm lý cho rằng đây chỉ là hành vi không cố ý và là… tai nạn nên mức phạt chỉ tới đó. Nên chăng đã đến lúc cần thay đổi suy nghĩ ấy? Nếu người lái xe hiểu được hành vi bất tuân luật pháp của mình có thể gây nguy hiểm cho người khác mà vẫn cứ làm thì phải bị xử lý thật nghiêm khắc.

° Với hành vi rải đinh, dù người rải đinh chỉ nhắm tới một mục đích là kiếm tiền nhưng rõ ràng hành vi của họ có nguy cơ gây nguy hiểm rất lớn cho người đi đường và trên thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông làm bị thương và thậm chí làm chết người. Theo ông có nên xử phạt hành chính là chủ yếu đối với hành vi này?

° Trên thực tế, có nhiều vụ rải đinh chỉ gây hậu quả là làm xẹp bánh xe người đi đường. Nếu xét về hậu quả, rõ ràng hậu quả này quá nhỏ và chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính là đúng. Thế nhưng, trên thực tế đã có nhiều trường hợp xe bị cán đinh, người điều khiển xe bị thương, bị té xuống đất và bị ô tô đi cùng chiều cán chết. Với hậu quả như vậy, chắc chắn không thể xử lý hành chính mà phải coi đây là hành vi cố tình gây nguy hiểm tột độ cho người khác, thậm chí coi đây là hành vi giết người.

Theo quan điểm của tôi, những người đi xe bị cán đinh mà hậu quả chỉ là xẹp bánh xe là những người may mắn và không thể dùng yếu tố may mắn này để nhẹ tay với hành vi rải đinh. Vì sự bình yên trên các tuyến đường, tôi cho rằng nên xử lý thật nghiêm những hành vi vi phạm luật giao thông làm chết người hoặc gây nguy hiểm tột độ cho người khác. Không thể để cho tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của rất nhiều người một cách vô lý như vậy.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục