

Georges Elchakieh đang thử biểu diễn một nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Ảnh: FREEZE
Ban nhạc Scarlip (Môi thẹo) vừa nghe tên đã tạo sự tò mò với nhiều người. Đúng vậy, Scarlip không chỉ là một tên gọi mà nó là sự gắn kết cuộc đời của Georges Elchakieh (người Canada), trưởng nhóm và cũng là Chủ tịch của hãng sản xuất Ellive, nơi điều hành nhiều ban nhạc đang biểu diễn tại hơn 10 quốc gia trên thế giới.
Scarlip, dưới sự dẫn dắt của Georges đã trở thành ban nhạc quốc tế nổi tiếng không chỉ ở châu Âu, mà còn được sự hưởng ứng mãnh liệt của khán giả châu Á, Trung Đông và Bắc Mỹ. Hiện Scarlip đang biểu diễn tại TPHCM và với Georges Elchakieh thì đây là lần thứ 3 trở lại Việt Nam và mỗi lần là một cảm xúc mới lạ…
“Từ nhỏ tôi bị sứt môi, cảm giác rất khó chịu khi tiếp xúc với mọi người. Trải qua nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ nhưng vết thẹo trên môi vẫn không xóa hết được. Scarlip là tất cả những gì bạn thấy ở tôi”. Georges tâm sự.
Tôi đã có một cuộc trò chuyện rất cởi mở và thân thiện với Georges tại Khách sạn Sheraton Saigon. Anh cho biết, anh bắt đầu với niềm đam mê âm nhạc từ rất nhỏ. Đặc biệt anh có khả năng cảm thụ giai điệu nhạc trống rất cao, chính vì vậy anh đã bỏ ra 10 năm để học trống và tiếp tục nâng cao kỹ năng của mình tại Trường Đại học Concordia –Canada.
Ngay sau khi tốt nghiệp, anh đã tham gia nhóm nhạc “According to Roger” và biểu diễn hàng đêm tại Câu lạc bộ Montreal. Rất thành công ở Canada, George quyết tâm phát huy tối đa tài năng thiên phú của mình, anh tiếp tục sáng lập và dẫn dắt các nhóm nhạc “Fly High”, “Soul Searching” và “The Montreal Funk Festival”.
Không muốn dừng lại tại Montreal (quê nhà), anh tiếp tục với nhóm nhạc mới “The Shades Band” để đi lưu diễn tại các nước châu Á và Trung Đông. Nhiều năm làm trưởng nhóm cho các nhóm nhạc, đến năm 1997 anh quyết định thành lập Scarlip, trong đó anh là ca sĩ nam chính, trưởng nhóm và chơi trống. Âm nhạc của Scarlip là sự kết hợp đa phong cách, pha trộn giữa hai thể loại rock – pop và nghệ thuật phối khí của các nhạc cụ.
Năm 2006, Scarlip đã có mặt tại TPHCM. Georges cho biết, mỗi năm quay trở lại Việt Nam anh đều cảm nhận được nhiều sự mới lạ. Nếu như năm 2006 khán giả Việt Nam ít chú ý và giao lưu với các ban nhạc nước ngoài thì năm 2008 hoàn toàn trái ngược lại. Thanh niên Việt Nam giao tiếp tiếng Anh tốt hơn và họ tự tin, hiện đại hơn so với ba năm về trước.
Tuy nhiên, có một điều Georges luôn luôn thích thú khi ở Việt Nam đó là âm nhạc dân tộc Việt Nam. Anh kể: “Tôi thích đi xem múa rối nước khi có cơ hội. Nhạc trống trong múa rối nước rất tuyệt vời. Tôi rất ngạc nhiên về giai điệu của nó, thật rộn rã và lôi cuốn”.
Anh cũng khá tò mò với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam khác như đàn tranh, đàn bầu, trống cơm hoặc đàn t’rưng. “Tôi đã thử chơi đàn đáy nhưng không dễ như tôi nghĩ, một ngày nào đó tôi sẽ học hỏi thêm ở các nghệ sĩ Việt Nam”. Georges nói.
Georges đang ấp ủ một kế hoạch và mong muốn được thực hiện đó là được tham gia vào một chương trình ca nhạc từ thiện tại Việt Nam để gây quỹ giúp các trẻ em bị sứt môi. Anh tâm sự: “Mỗi năm tôi đều hỗ trợ cho tổ chức Smile Operation (tạm dịch Phẫu thuật nụ cười) để giúp các em nhỏ. Tôi muốn các em được giúp đỡ để trở nên lành lặn hơn, giống như tôi”.
Hiện con trai năm tuổi của Georges đang theo học tại Trường Quốc tế tại Quận 2. Gia đình anh đều đặn mỗi cuối tuần cùng nhau đến quán cơm niêu để thưởng thức các món ăn Việt Nam. Món thích nhất của anh là cơm đập, vì âm thanh đập vỡ niêu cơm và thao tác biểu diễn của các phục vụ ở đây rất điêu luyện.
Khi hỏi về âm nhạc Việt Nam, Georges lẩm nhẩm bài hát “Ước gì” (được Mỹ Tâm biểu diễn) và nói: “Tôi thích bài hát này và hình như giới trẻ Việt Nam cũng vậy, đúng không? Vì đến quán nào tôi cũng nghe giai điệu bài hát này…”.
Ngoài những giờ biểu diễn, Georges cũng rất thích hòa mình vào không khí của các fans hâm mộ bóng đá Việt Nam. “Tôi và gia đình có một kỷ niệm khó quên vào đêm Việt Nam vô địch Cúp AFF”. Georges cười tươi cho biết.
Đúng như những gì các bạn của anh đã nói, Georges là một ca sĩ, nghệ sĩ có nhiều hoài bão, dám ước mơ và không ngừng phấn đấu để biến ước mơ thành hiện thực. Ở anh, câu khẩu hiệu luôn là “học hỏi, học hỏi hơn nữa và cố gắng vươn lên”…
LÊ HUỲNH