Ghép gan cho bệnh nhi vẫn chưa tự tin!

Ghép gan cho bệnh nhi vẫn chưa tự tin!

Vậy là ca ghép gan thứ 7 cho bệnh nhi nhẹ cân nhất từ trước đến nay tại BV Nhi đồng 2 TPHCM đã thành công. Các bác sĩ phía Việt Nam cũng như những đồng sự đến từ Vương quốc Bỉ hết sức phấn khởi trước sự kiện đánh dấu hơn 4 năm hợp tác giữa hai bên. Tuy nhiên, điều mong đợi hiện nay là Việt Nam đã thực sự tự mình ghép gan được hay chưa vẫn là thắc mắc của nhiều đại biểu tham dự hội nghị “Phẫu nhi và gây mê hồi sức” diễn ra tại TPHCM ngày hôm qua (10-12).

Các bác sĩ đang phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi Tăng Ngọc My ngày 7-12. Ảnh: T.LÂM

Các bác sĩ đang phẫu thuật ghép gan cho bệnh nhi Tăng Ngọc My ngày 7-12. Ảnh: T.LÂM

Theo nghiên cứu của BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 2, hiện mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 100 trẻ bị teo đường mật bẩm sinh dẫn đến suy gan cần được ghép. “Riêng BV Nhi đồng 2 TPHCM đang theo dõi tới 30 trường hợp teo đường mật bẩm sinh và hơn phân nửa trong số đó cần ghép gan sớm”, BS Định cho biết.

BS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi Trung ương, cũng nhận định bệnh lý gan mật đang ngày càng phổ biến ở bệnh nhi. Hàng năm BV Nhi Trung ương cũng tiếp nhận vài trăm ca mắc bệnh lý về gan, mật. Do đó, việc phát triển kỹ thuật ghép tạng, như ghép gan, thận là cần thiết để níu kéo sự sống cho nhiều bệnh nhi.

Mặc dù bước đầu đánh dấu sự trưởng thành của kỹ thuật ghép gan nhi ở Việt Nam, nhưng GS-BS Trần Đông A băn khoăn vì vẫn cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài. Chẳng hạn ở BV Nhi đồng 2 TPHCM có sự hỗ trợ của Viện trường Saint Luc (Vương quốc Bỉ), BV Nhi Trung ương, BV Việt- Đức có sự hỗ trợ của các chuyên gia ghép tạng đến từ Đài Loan...

“Tuy đã cố gắng nhưng thực sự chúng tôi chưa đủ tự tin để tự thân phẫu thuật ghép gan. Cái khó là không để tai biến hậu phẫu làm tắc mạch máu gây tử vong và “tay nghề” của các bác sĩ ta vẫn chưa hoàn hảo ở khâu này”, BS Trương Quang Định nói.

BS Định cũng cho biết hiện ê kíp ghép tạng tại BV Nhi đồng 2 TPHCM vẫn tiến hành ghép gan trên chó và chuột nhằm hoàn thiện hơn các kỹ thuật.

Như vậy, những tiến bộ kỹ thuật ghép gan đã được một số cơ sở y tế nước ta nắm bắt và thực hành tốt. Tuy nhiên, nói như BS Trương Quang Định thì vẫn còn không ít hạn chế khiến kỹ thuật này chưa được triển khai thường quy. Hơn nữa, chi phí ghép gan hiện khá cao (gần 300 triệu đồng), thời gian nằm viện lâu (80 - 100 ngày) khiến nhiều gia đình bệnh nhân “kham” không nổi.

Do vậy, theo GS Trần Đông A, nên khuyến khích ghép tạng từ người cho chết não, hỗ trợ của bảo hiểm y tế và cộng đồng để tăng lượng bệnh nhi được ghép gan, thận.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục