Hôm qua, đồng loạt tăng giá xăng dầu

Giá cả chịu tác động từ 0,11% đến 10,8%

Tăng thêm nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ
Giá cả chịu tác động từ 0,11% đến 10,8%

Bắt đầu từ 11 giờ hôm qua (22-11), giá xăng dầu các loại đã đồng loạt được điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá dầu hỏa và diesel lần lượt tăng từ 8.600 đồng/lít và 8.700 đồng/lít lên 10.200 đồng/lít (tăng thêm 1.500 – 1.600 đồng/lít); mazút tăng thêm 2.500 đồng/kg (từ 6.000 đồng/kg lên 8.500 đồng/kg); giá xăng cũng tăng thêm1.700 đồng/lít.

Tăng thêm nhưng doanh nghiệp vẫn lỗ

Giá cả chịu tác động từ 0,11% đến 10,8% ảnh 1

Nhiều người bất ngờ trước sự tăng giá xăng dầu. Ảnh: Thành Tâm

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá, từ đầu tháng 10 đến nay, giá dầu trên thị trường thế giới bắt đầu tăng mạnh trở lại: giá dầu thô bình quân tháng 10 là 85,563 USD/thùng thì trong 11 ngày đầu tháng 11, dao động ở mức kỷ lục là 95,476 USD/thùng (tăng 61% so với cùng kỳ năm 2006), gây lỗ đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, với mức giá thế giới trong 11 ngày đầu tháng 11, thuế nhập khẩu xăng dầu 0% thì giá xăng lỗ khoảng 1.900 đồng/lít, diesel lỗ 3.846 đồng/lít, dầu hỏa lỗ 4.165 đồng/lít, mazút lỗ 3.332 đồng/kg. Dự kiến, số lỗ trong 2 tháng cuối năm nếu không điều chỉnh giá bán dầu là 6.000 tỷ đồng (cả năm bù lỗ khoảng 12.300 tỷ đồng) và lỗ kinh doanh xăng năm 2007 khoảng 1.100 tỷ đồng.

Theo tính toán, nếu giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục dao động ở mức cao như hiện nay, để giá bán các loại dầu đảm bảo kinh doanh thì giá bán dầu hỏa và diesel phải tăng thêm khoảng 4.500 – 4.600 đồng/lít, mazút phải tăng thêm 3.700 đồng/kg.

Tuy vậy, trước mắt Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong năm 2007, chưa thực hiện ngay giá đảm bảo kinh doanh đối với các loại dầu mà chỉ tiến hành điều chỉnh một bước giá xăng dầu. Do đó, giá xăng chỉ tăng thêm tối đa 1.700 đồng/lít, giá dầu hỏa và diesel tăng thêm 1.500 – 1.600 đồng/lít, mazút tăng thêm 2.500 đồng/kg.

Dù đã tăng giá mức này, nhưng theo ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương, giá xăng dầu ở Việt Nam vẫn thấp hơn ở các nước xung quanh. Cụ thể giá xăng tương đương A92 và dầu diesel ở Campuchia lần lượt là 15.196 đồng/lít và 12.093 đồng/lít; ở Lào lần lượt là 15.569 đồng/lít và 12.631 đồng/lít.

Đã “lùi đến chân tường”?

Tại buổi họp báo do liên bộ Tài chính – Công thương tổ chức tại Hà Nội vào cuối giờ sáng qua, phóng viên SGGP đã nêu câu hỏi: Tại sao lại chọn thời điểm này để tăng giá và liệu có phải vì nguyên nhân trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã cho biết rằng, không thể kiềm chế giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn mức tăng trưởng (GDP)? Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá cho biết, tình thế hiện nay đã ở vào thế “lùi đến chân tường”, bởi dự báo giá dầu mỏ trên thị trường thế giới tiếp tục dao động cao và còn tiềm ẩn những nhân tố đẩy giá dầu lên cao (tình hình chính trị vẫn căng thẳng ở Iraq, Iran…; kinh tế tiếp tục tăng trưởng tại các quốc gia tiêu thụ nhiều dầu; mức dự trữ dầu mỏ của Mỹ giảm thấp; đồng USD mất giá…).

Bên cạnh đó, trong điều kiện hội nhập với kinh tế thế giới hiện nay, nền kinh tế nước ta phải chấp nhận và thích ứng với mặt bằng giá thế giới tăng cao, không thể và cũng không có khả năng giữ hệ thống giá trong nước biệt lập với thị trường thế giới. Nếu giữ cách điều hành giá theo kiểu “mua cao, bán thấp”, thực hiện hỗ trợ tài chính thông qua việc bù giá các loại dầu thì nền kinh tế sẽ tiếp tục phải gánh chịu những bất cập như: giá đầu vào thấp làm “méo mó” hệ thống giá trong nước, tạo tâm lý ỷ lại, tạo cơ hội cho buôn lậu xăng dầu… “Tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ là ổn định giá cả trong nước nhưng ổn định tương đối theo thị trường”, ông Trần Văn Tá nói.

Sẽ tác động từ 0,11% đến 10,8% lên giá cả

Theo liên bộ, với việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này, giá cả hàng hóa sẽ chịu tác động từ 0,11% đến 10,8%. Ông Tá giải thích, những tác động từ việc tăng giá xăng dầu sẽ không quá lớn đối với CPI vì theo cách tính và theo rổ hàng hóa tính CPI hiện nay thì giá xăng dầu phải qua nhiều vòng mới tác động đến sản phẩm chứ không tác động trực diện đến sản phẩm.

Cũng hôm qua, 22-11, Bộ Tài chính đã có công điện gửi các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng… yêu cầu tăng cường công tác quản lý thị trường, có các biện pháp cụ thể không để xảy ra hiện tượng lợi dụng việc điều chỉnh giá bán xăng dầu để tăng giá sản phẩm một cách không hợp lý; tiết kiệm giảm chi phí; xử lý nghiêm các trường hợp bán giá xăng dầu sai chỉ đạo, pha trộn giữa các chủng loại dầu.

Cũng theo công điện trên, ngân sách địa phương phải đảm bảo kinh phí để thực hiện chính sách cấp dầu hỏa thắp sáng không thu tiền với các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số…

Mức tác động cao nhất là đối với hoạt động đánh bắt cá xa bờ nhưng cũng theo Bộ Tài chính, để hạn chế tác động của việc thực hiện điều chỉnh giá bán dầu với đánh bắt cá xa bờ cũng như đối với nông dân, nông nghiệp, nông thôn nói chung, Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách cấp tiền đối với hộ nghèo, những gia đình khó khăn (kể cả vùng lũ lụt miền Trung) ở những nơi chưa có điện để họ tự mua dầu hỏa; đồng thời chỉ đạo chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố bãi bỏ các khoản thu phí, lệ phí quy định không hợp lý, trái pháp luật, miễn các khoản phí, lệ phí theo Chỉ thị 24 của Thủ tướng Chính phủ…

Liên quan đến việc tại sao không thực hiện, cùng với việc điều chỉnh này, đưa giá dầu theo cơ chế thị trường, không phải bù lỗ, ông Tá cho biết, điều này đã nằm trong lộ trình và muộn nhất đến hết năm 2008, phải để giá dầu theo đúng giá thị trường. Tất nhiên, để làm được điều này cần phải có các biện pháp hết sức quyết liệt. “Nếu giá thế giới tăng cao mà chúng ta không điều chỉnh giá trong nước tiếp cận thì đến thời điểm nào đó buộc phải điều chỉnh sẽ gây sốc cho nền kinh tế”, ông Tá nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Văn Tá, để doanh nghiệp tự chủ hơn trong việc điều chỉnh giá, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phương án giao cho doanh nghiệp xây dựng công cụ rủi ro về giá.

Ngọc Quang

Tin cùng chuyên mục