
ĐBSCL: “Sốt” vì tâm lý “tích cốc phòng cơ”

Đến 18 giờ tối 27-4, các cửa hàng gạo tại chợ Đà Lạt vẫn đông nghịt người mua. Ảnh: N. VIÊN
Hôm qua 27-4, thị trường gạo ở ĐBSCL, nơi được xem là vựa lúa của cả nước, tiếp tục “nóng”. Bảng hiệu kê giá bán tại các cửa hàng bán gạo được điều chỉnh lên 12.000-18.000 đồng/kg, tăng khoảng 4.000-5.000 đồng/kg so với tuần trước.
Đáng chú ý, nhiều người đổ xô mua gạo một cách bất thường. Một chủ bán gạo tại Trung tâm Thương mại Cái Khế, Cần Thơ cho biết, mỗi ngày lượng gạo nhập về đều bán ra hết. Các đầu mối gạo ở Cái Răng chỉ cung cấp cầm chừng và cứ “nhấp nhử” khi nào có nguồn sẽ điện thoại cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, cái thiếu và tạo nên cơn sốt “ảo” ở đây là chính kênh phân phối. Thực tế, lượng lúa hàng hóa còn rất lớn trong dân. Chuyện thiếu gạo chỉ là thông tin của người những kẻ đầu cơ “cục bộ” – từ những chủ vựa gạo điều tiết thị trường nhỏ.
Nguyên nhân dẫn đến giá gạo “sốt” chủ yếu do tâm lý “tích cốc phòng cơ” lan rộng trong nhiều đối tượng: từ nông dân, chủ vựa gạo, doanh nghiệp đến các “bà nội chợ” đều muốn thủ sẵn lương thực dự trữ phòng khi có biến động.
Cơn “sốt giá” lan rộng cả nước
Trong ngày 27-4, tình trạng đóng cửa, ghim hàng xảy ra ở hầu hết các cửa hàng bán gạo trên đại bàn TP Đà Nẵng, kể cả vùng nông thôn. Trước tình hình này, ngay trong chiều 27-4, Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng đã huy động tất cả lực lượng phát hiện và lập biên bản xử lý khoảng 20 trường hợp đóng cửa, ghim hàng và không niêm yết giá.
Trong khi đó, tại Quảng Trị trong 2 ngày 26, 27-4, giá gạo đột ngột tăng lên cao. Điều đáng nói, tại các cửa hàng bán gạo ở chợ Đông Hà, không có bất cứ bảng niêm yết giá nào.
Tối 27-4, tin đồn thất thiệt “các kho gạo ở miền Tây hết” khiến các đại lý kinh doanh gạo tại TP Huế bỗng dồn dập khách đến mua gạo dự trữ. Tại 2 đại lý kinh doanh gạo lớn nhất tại TP Huế nằm trên đường Hùng Vương, dòng người chen lấn nhau mua gạo dù trời tối mù do khu vực này đang bị cắt điện luân phiên. Hai đại lý gạo đã huy động tới 10 nhân viên cân gạo cho khách nhưng vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu người mua.
Anh Nguyễn Văn Dũng, chủ đại lý gạo cho biết, chiều 27-4, các địa lý gạo tại TP Huế đều đột ngột tăng giá từ 8.700 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn bán với giá 18.000 đồng/kg… Nhiều đại lý kinh doanh gạo tại TP Huế thay đổi giá bán nhưng không có bảng niêm yết giá. Vì thế, giá gạo tăng và thay đổi giá bán từng giờ nên người dân, đặc biệt là tầng lớp sinh viên và người có thu nhập thấp, đều ra sức chen chân để mua cho được gạo càng sớm càng tốt…
Sáng 27-4, giá các loại gạo tại Đà Lạt đã tăng mạnh. Một số đại lý cho biết đã hết các loại gạo thơm, chỉ còn gạo thường mà cũng dành phần lớn cho bạn hàng chứ không dám bán hết cho dân. Nguyên nhân mà các đại lý đưa ra là do gạo từ Phan Rang và miền Tây không nhập về hoặc nhập rất ít, người dân lại đổ xô đi mua để dự trữ.
Đến cuối tháng 4, Việt Nam đã xuất khẩu 1,350 triệu tấn (tăng 8% lượng), kim ngạch đạt khoảng 666 triệu USD (tăng 51% về giá trị). Hàng năm Việt Nam sản xuất được khoảng 36 triệu tấn lúa, trong đó dành cho xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn lúa (tương đương 4-4,5 triệu tấn gạo), còn lại là để làm giống và tiêu thụ. (Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam) |
C.PHONG – Đ.TUYỂN – N.VIÊN
N.HÙNG – V.LINH – V.V. THẮNG
Thông tin liên quan:
* Sáng nay, buổi đầu tiên Thủ tướng giao ban trực tuyến
Xử lý ngay hành vi găm hàng, đầu cơ gạo
* Thị trường gạo: Tin ảo - “sốt” thật
* Từ tin đồn thất thiệt “gạo ở miền Tây hết”, tối qua, người dân đổ xô đi mua gạo