“Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi...” là cuốn sách dày đặc những tâm trạng sâu kín muốn che giấu của con người. Trong đó có sự u uất, sự tuyệt vọng, sự gục ngã, sự dồn tận của cô độc. Song không như một cuốn sách tâm lý thuần túy, Lê Nguyễn Nhật Linh đã đưa vào đó nhiều góc nhìn văn chương để câu chuyện nhẹ nhàng hơn, mở ra những lối thoát đầy nhăn văn. "Trầm cảm là một lưỡi dao mà người cầm nó tự đâm vào mình. Tôi đào sâu những cái giếng cảm xúc trong quyển sách này, để độc giả lần lượt trèo xuống. Ở đáy có gì? Có thể không có gì chỉ đầy trống rỗng. Hoặc là rất nhiều ngạt thở!", Lê Nguyễn Nhật Linh chia sẻ.
Những biến cố giống như giông tố, có người chống chọi bám rễ, có người bị bật gốc ngã đổ, chúng ta không mặc áo của người khác để thấu hiểu, rộng hay chật, dễ thở hay ngạt thắt. Đó chắc chắn là một thế giới ngang ngổn rất khác tưởng tượng hoặc cũng có thể ngăn nắp bất thường, mà chúng ta không hình dung nổi nếu chỉ đứng ngoài phán xét đoán mò, dù tò mò đến mấy. Nữ tác giả 9X chia sẻ trầm cảm là câu chuyện đặc biệt và cách đây 5 năm cô đã may mắn thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn bế tắc ấy. Song điều ấy cũng không có nghĩa là cô hiểu tường tận về hội chứng tâm lý này mà chỉ muốn viết ra những điều cô cảm nhận, cô hiểu để mọi người có thể cùng nhau học cách sẻ chia, thấu hiểu người khác và cũng là thấu hiểu chính mình.
Đọc để hiểu mình hơn, để cảm thông hơn, với ai đó, có cuộc đời đen trắng, hoàn cảnh trải nghiệm, công việc sự nghiệp, kết cục tình cảm... không giống chúng ta. Hiểu để không một ai phải nói âm thầm khi đã rất tuyệt vọng và cô độc: Giá ngày tháng ấy, có người hiểu tôi... nhưng chúng ta bỏ qua họ như mây trôi gió thoảng. Hiểu để chúng ta không phải tiếc nuối đau khổ, vì mất đi một ai khi họ trầm cảm mà mình vô tâm, đừng đứng giữa một đám tang mới muộn màng cầu nguyện trong sự day dứt: “Giá mà người đó vẫn còn sống, như ngày hôm qua!”.