Giá thuốc lại tăng

  • Các doanh nghiệp “nhấp nhổm” chờ thời điểm 30-6

Đầu tháng 4-2008, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố tạm ngừng xem xét hồ sơ của các đơn vị dược phẩm trên địa bàn xin kê khai lại giá thuốc theo hướng tăng lên đến hết 30-6. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mặt hàng vẫn tăng giá.

Khảo sát tại Trung tâm Dược phẩm quận 10 TPHCM chiều 5-5 cho thấy, các mặt hàng thuốc ngoại nhập không tăng nhưng một số mặt hàng thuốc sản xuất trong nước tăng 5% - 25%. Cụ thể các mặt hàng của Công ty Dược phẩm Hà Tây, Dược phẩm Đông Nam gồm: Calcin Plus (tăng 5%), Hemovit (5%), Oravita (7%), Fokids (7%); các mặt hàng của Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmedic cũng tăng 5% – 25% như: Aspartam, Carbomin, Far 90, Far 200, Far 500, Malox.

Ngoài các đơn vị đã có sản phẩm tăng giá, hiện một số doanh nghiệp cũng đang “nhấp nhổm” chờ qua thời điểm 30-6 để xin điều chỉnh giá. Hiện Công ty Dược phẩm Stada đang chờ Sở Y tế TPHCM xét duyệt cho tăng giá 3 mặt hàng gồm: Aluminium phosphate gel; Acetylcystein Stada 200mg; Scanneuron. Theo bà Phạm Thị Việt Nga, Tổng giám đốc Công ty Dược Hậu Giang, với tình hình biến động về giá cả trong nước và thế giới, hiện nhiều doanh nghiệp đang phải “gồng mình” chịu lỗ hoặc chỉ huề vốn để sản xuất giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên, đã có một số mặt hàng không thể “gồng” nổi với giá nguyên liệu mỗi ngày mỗi tăng cộng thêm sự biến động về tỷ giá đồng euro, doanh nghiệp phải chọn giải pháp là giảm sản lượng để đỡ chịu lỗ. Được biết, vừa qua, Dược Hậu Giang đã giảm sản lượng của 3 nhóm hàng gồm: Amoxilin; Cefadroxil và Vitamin C, chỉ còn duy trì 1/3 sản lượng so với thời gian trước. Tuy nhiên, với chủ trương của Bộ Y tế là không cho phép tăng giá thuốc trước 30-6 nên Dược Hậu Giang sẽ tiếp tục phải chọn giải pháp tạm thời như trên trong khi chờ đến thời điểm có thể nộp hồ sơ xin điều chỉnh giá.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM: 30-6 không phải là cái mốc để cởi bỏ việc kiểm soát giá. Việc quản lý giá thuốc hiện vẫn đang thực hiện theo Thông tư 11/2007, doanh nghiệp không thể tự ý tăng giá. Tất cả doanh nghiệp dược muốn tăng giá phải nộp hồ sơ kê khai lại giá thuốc cho Sở Y tế địa phương hoặc Cục Quản lý dược chứng minh được tính hợp lý giữa chi phí, giá thành, giá bán thì mới được cho phép tăng giá với tỷ lệ tăng phù hợp. Riêng những trường hợp tự ý tăng giá trong thời điểm này, Sở Y tế sẽ cho kiểm tra ngay và xử lý nghiêm như phạt hành chính và đề nghị Cục Quản lý dược không xét đơn hàng, tạm ngưng cấp số đăng ký …

Cũng theo TS Lan, hiện nay, giá thuốc chủ yếu tăng ở hệ thống bán lẻ. Giá bán lẻ chịu sự chi phối của Pháp lệnh giá tức là các doanh nghiệp có thể tự định giá bán lẻ và chịu sự cạnh tranh, điều tiết của thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng không có gì đáng lo lắng khi thị trường thuốc bán lẻ hiện chỉ chiếm 25% còn 75% là ở các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, tại TPHCM, Sở Y tế cũng đang nỗ lực trong phạm vi cho phép để tăng cường kiểm soát hệ thống bán lẻ như cho thanh tra thường xuyên các cơ sở bán lẻ, phạt hành chính các hành vi bán thuốc vượt quá giá niêm yết.

Kim Liên

Theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất thuốc, có thể sau tháng 6 khi lệnh cấm của Bộ Y tế hết hiệu lực, giá thuốc sẽ có những đợt tăng đột biến. Bởi lẽ, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước dựa vào tới 90% nguồn nguyên liệu nhập khẩu và gần 50% thị trường thuốc của Việt Nam là thuốc nhập khẩu.

Q.Lập

Tin cùng chuyên mục