Giá trị đường dây nóng

Trong bối cảnh các tờ báo trên thế giới dày đặc thông tin về dịch bệnh, báo Pháp Le Monde là một trong những tờ báo hiếm hoi dành sự quan tâm đến một diễn biến chính trị tại châu Á: Hàn Quốc và Triều Tiên nối lại đường dây liên lạc hôm 27-7 sau 13 tháng tạm ngừng. 
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại biên giới hai nước, tháng 4-2018. Ảnh: Reuters.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tại biên giới hai nước, tháng 4-2018. Ảnh: Reuters.

Sự kiện nối lại “đường dây nóng” được nhiều chuyên gia bình luận sôi nổi. Theo nhà sử học, nhà báo người Pháp Philippe Pons, có thể đây là khúc dạo đầu để chuẩn bị cho đối thoại Mỹ - Triều. Còn nhớ, năm 2018, Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Donald Trump đã trở thành người mở đường, sau cuộc gặp đầu tiên với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore. 

Bà Jalina Porter, Phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã hoan nghênh việc nối lại các đường dây liên lạc lần này; đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại giữa hai miền. Trước mắt, viễn cảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tươi cười bắt tay Tổng thống Joe Biden chưa thể xảy ra. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Seoul và Bình Nhưỡng đều đang có nhu cầu nối lại đối thoại.

Dự kiến, tháng 3-2022, Hàn Quốc bầu lại tổng thống. Tất nhiên, đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in muốn coi chính sách thân thiện với Bình Nhưỡng là một thắng lợi ngoại giao, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho ứng cử viên của đảng đang cầm quyền. Ông Park Soo-hyun, Thư ký cấp cao về truyền thông công chúng của Phủ Tổng thống Hàn Quốc, nhận định việc Seoul và Bình Nhưỡng một lần nữa đứng ở vạch xuất phát cho thấy mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa; đồng thời bày tỏ khẳng định Hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ là “bước đệm” cho tiến trình hòa bình.

Về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng muốn tranh thủ thời gian bởi không chắc người kế nhiệm ông Moon Jae-in sẽ có thái độ khoan hòa với Bình Nhưỡng. Một động lực khác nữa để nối lại đường dây nóng lúc này là tình hình kinh tế của Triều Tiên đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19. Theo Cơ quan Thương mại và đầu tư Hàn Quốc, trao đổi mậu dịch của Triều Tiên giảm 73,4% so với cùng thời kỳ năm 2020.

Ngoài ra, hôm 14-7, trong một báo cáo gửi Liên hiệp quốc với tiêu đề “Đánh giá quốc gia tự nguyện”, Triều Tiên cho biết nước này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực tồi tệ nhất trong hơn 1 thập niên trở lại đây. Đối với Bình Nhưỡng, đây là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết lúc này và Hàn Quốc là một nguồn đóng góp quý giá.

Tin cùng chuyên mục