Cụ thể, tại huyện Lục Ngạn, năm 2019, tổng diện tích trồng vải toàn huyện đạt gần 16.000ha nhưng đã có khoảng 1.850ha (chiếm 12,1%) vải chín sớm; gần 13.500ha vải thiều chính vụ (chiếm 87,9%). Về sản lượng vải cũng giảm sút đáng kể, chỉ đạt khoảng 50% đậu quả; vườn nào chăm sóc tốt cũng chỉ đạt cao nhất là 75% vải đậu quả; thậm chí có nhà vườn còn mất trắng do vải chỉ đậu quả lác đác. Dự ước sản lượng vải thiều năm nay đạt hơn 80.000 tấn, thấp hơn rất nhiều so với năm 2018 (150.000 tấn). Trong đó, có khoảng 12.500 tấn vải chín sớm và thời gian thu hoạch dự kiến từ ngày 20 đến 30-7-2019.
Lý giải thực tế này, tỉnh Bắc Giang cho biết thời tiết năm nay không thuận lợi cho mùa vụ vải. Thời tiết nóng ấm vào dịp tết đã khiến cho tỷ lệ ra hoa đậu quả của vải thiều rất thấp dù các hộ nông dân đã chăm sóc kỹ, đúng quy trình canh tác. Trước tình hình đó, nhiều hệ thống phân phối, bán lẻ đã trực tiếp làm việc với các nhà vườn để cam kết thu mua sản phẩm với giá cao. Một phần để đáp ứng nguồn cung trong thời gian tới, mặt khác tránh sự biến động quá lớn về giá, ảnh hưởng đến sức mua.
Theo UBND tỉnh Bắc Giang, việc chủ động tiếp cận nhà vườn để đảm bảo đầu ra cho người nông dân của các hệ thống phân phối là rất cần thiết. Nhất là trong bối cảnh nhiều thị trường nhập khẩu vải thiều Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc đang có sự thay đổi về tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến bao bì, tem nhãn, thông tin và truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Riêng về giá sản phẩm cũng được các hệ thống phân phối định lượng ở mức cao, sẽ hỗ trợ phần nào cho nhà vườn khi năng suất trồng không được cao.