Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, trong 7 tháng qua, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước đạt 134.494 tỷ đồng, đạt 31,32% so với kế hoạch Quốc hội giao - thấp nhất trong cùng kỳ những năm gần đây. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn trong nước chỉ đạt 35% kế hoạch Quốc hội giao. Đáng lo, tỷ lệ giải ngân vốn vay từ nước ngoài chỉ đạt 8,6% kế hoạch của năm. Nguyên nhân chủ yếu do một số bộ ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực trong chỉ đạo triển khai và một phần do các dự án, gói thầu mới cần được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật về đấu thầu, xây dựng, đất đai...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP mới giải ngân được 26% trong tổng số 33.170 tỷ đồng của năm 2019; vốn ODA giải ngân được khoảng 50% trong tổng số 800 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm do chậm trễ trong chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Cụ thể, trong tổng số 4.215 tỷ đồng chi cho việc này, hơn 2.000 tỷ đồng dự kiến bố trí chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng tuyến Metro 2, nhưng hiện TP chưa phê duyệt được chủ trương đầu tư theo phân cấp của Thủ tướng Chính phủ nên chưa thể chi vốn. Bên cạnh đó, TP mới hoàn thành việc sắp xếp các ban quản lý dự án vào tháng 6 để thực hiện giao vốn (trước đó giao vốn qua các sở ngành) nên ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân.
Cùng với đó, chủ đầu tư thường ứng vốn trước để thi công dự án nhưng chậm hoàn thành thủ tục để rút vốn từ kho bạc nên tỷ lệ giải ngân trên hệ thống cũng thấp so với thực tế. Trong khi đó, Hà Nội mới giải ngân được 24,7% kế hoạch vốn giao.
Ngoài việc giải ngân chậm, hiện còn hơn 35.000 tỷ đồng chưa được Bộ KH-ĐT tổng hợp nhu cầu của các bộ ngành, địa phương để trình Thủ tướng giao vốn (trong khi phải hoàn thành trong tháng 5). Trong số chưa giao vốn này có 9.900 tỷ đồng chưa giao cho Petro Vietnam và Viettel do dự án của các đơn vị này chưa hoàn thiện thủ tục; 2.400 tỷ đồng chưa giao cho các dự án thuộc chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng do Kiểm toán Nhà nước kiến nghị không giao vốn...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình Bộ KH-ĐT đã chậm trễ trong tổng hợp, tham mưu Thủ tướng giao vốn đầu tư công, đồng thời không báo cáo cụ thể các nguyên nhân chậm giao vốn và giải pháp khắc phục. Đơn cử, Kiểm toán Nhà nước có kết luận không bố trí được 2.400 tỷ đồng cho chương trình Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các vùng từ tháng 9-2018 mà tới nay Bộ KH-ĐT chưa trình, sửa được quyết định của Thủ tướng. Việc giao vốn chậm cho các địa phương, bộ ngành hay doanh nghiệp nhà nước thực hiện các dự án khác, cũng có trách nhiệm của lãnh đạo Bộ KH-ĐT và Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Vụ Kinh tế đối ngoại, trong đốc thúc, thẩm định và tổng hợp các dự án. Phó Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết, Thủ tướng đã ra chỉ thị và nhiều thông báo kết luận cuộc họp chuyên đề của Phó Thủ tướng về vấn đề này, nhưng giải ngân còn chậm hơn cả cùng kỳ các năm trước. “Các đồng chí có thấy vô cảm không?”, Phó Thủ tướng gay gắt đồng thời yêu cầu xóa bỏ các yếu kém trong quản lý đầu tư của Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính; yếu kém của các bộ ngành, địa phương trong thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.
Bộ KH-ĐT phải trình Thủ tướng phân bổ hết 35.000 tỷ đồng vốn chưa giao ngay trong tháng 8; trước ngày 30-9 trình Thủ tướng việc hủy kế hoạch giao vốn với các bộ ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án “không chịu” giải ngân; trước ngày 10-10 báo cáo Thủ tướng việc điều chỉnh kế hoạch giải ngân vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án đang cần vốn và có tiến độ giải ngân cao, từ các bộ ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các bộ ngành có nhu cầu bổ sung vốn và tỷ lệ giải ngân cao; rà soát, tính toán kế hoạch đầu tư công năm 2020 sát thực tế từng bộ ngành, địa phương.