Giải ngân vốn đầu tư không đạt, Sở TN-MT TPHCM chỉ rõ nguyên nhân và đơn vị gây chậm trễ

Theo Sở TN-MT TPHCM, các địa phương chưa làm hết vai trò của mình trong công tác xác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Sở Xây dựng không bố trí kịp thời quỹ nhà tái định cư... là một số nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công (phần bồi thường)
Cầu Long Kiểng, một dự án đầu tư công đã giải quyết được vướng mắc về bồi thường và thông xe vào ngày 8-9 vừa qua. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cầu Long Kiểng, một dự án đầu tư công đã giải quyết được vướng mắc về bồi thường và thông xe vào ngày 8-9 vừa qua. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Liên quan tình hình giải ngân đầu tư công (phần bồi thường), UBND TPHCM vừa giao Sở TN-MT tiếp tục làm việc trực tiếp với UBND các địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh mới, thúc đẩy hoàn thành công tác giải ngân các dự án được giao vốn đầu tư công (phần bồi thường) năm 2023. Thực hiện việc kiểm tra, rà soát và đôn đốc tiến độ thực hiện của từng dự án sau mỗi 10 ngày.

Theo Sở TN-MT, tính đến ngày 15-8, vốn bồi thường trong các dự án đầu tư công mới giải ngân được hơn 6.373 tỷ đồng, đạt 35,38%. Tỷ lệ này không đạt yêu cầu của UBND TPHCM là “đến tháng 6 đạt trên 35% và đến cuối năm đạt ít nhất 95%”.

Ngoài ra, số tiền đã giải ngân phần lớn là từ dự án Vành đai 3 (gần 5.500 tỷ đồng) và dự án đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp (640 tỷ đồng). Riêng hai dự án này đã chiếm 96% số tiền đã giải ngân. Sở TN-MT dự báo chỉ 9/21 địa phương có khả năng giải ngân trên 95%, gồm quận 3, quận 7, quận 10, quận 11, quận Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, huyện Cần Giờ.

Đối với các dự án đã được phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong năm 2022, Sở TN-MT khẳng định các dự án này đến nay chưa thực hiện xong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho toàn bộ các hộ dân là chậm tiến độ. Cá biệt có một số dự án như cầu Ông Nhiêu, đường Lò Lu, đường Long Phước trên địa bàn TP Thủ Đức đến nay thậm chí chưa hoàn tất công tác chuẩn bị để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Sở TN-MT cũng đánh giá UBND các địa phương chưa phát huy hết vai trò trong công tác xác lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các hộ dân, dẫn đến việc xác lập hồ sơ còn chậm, không đáp ứng tiến độ.

Cụ thể, theo quy định thì từ khi có thông báo thu hồi đất đến khi UBND TPHCM phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất là khoảng 240 ngày (8 tháng). Sở cũng đã đề nghị UBND các địa phương phải hoàn tất công tác trình, thẩm định và phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của các dự án chậm nhất là tháng 7-2023. Nhưng đến nay vẫn còn 49 dự án cần phê duyệt.

Sở TN-MT đánh giá việc Sở Xây dựng không kịp thời bố trí quỹ tái định cư cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện việc phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất. Hiện có 4 dự án chưa được cân đối, bố trí quỹ tái định cư.

Đối với dự án Vành đai 3 trên địa bàn TP Thủ Đức, Sở TN-MT cho biết đã tích cực giải quyết, tháo gỡ hết các vướng mắc, khó khăn của dự án. Tuy nhiên, tiến độ giải quyết các hồ sơ cụ thể của địa phương đến nay không tương ứng với kết quả giải quyết khó khăn mà Sở TN-MT đã thực hiện.

Tin cùng chuyên mục