Nâng cao nhận thức cộng đồng

Giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

Giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

Trong chương trình phát triển mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm, vấn đề nâng cao nhận thức cộng đồng đặc biệt được quan tâm và được xây dựng thành một nhóm nội dung với 3 đề án chi tiết. Nhưng trên thực tế, việc triển khai nội dung này nhằm tập cho người dân thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn nhiều bất cập.

  • Nội dung... nhiều

Có thể thấy, mục tiêu của nhóm nội dung về tăng cường giáo dục, tuyên truyền phổ biến thông tin, vận động cộng đồng, nâng cao nhận thức, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK&HQ), bảo vệ môi trường được xác định rất rõ. Đó là phải tạo lập môi trường thuận lợi để người dân thường xuyên tiếp cận được thông tin, nâng cao nhận thức; tạo điều kiện cho giới trẻ tiếp cận và tham gia cuộc vận động SDNLTK&HQ thông qua nhận thức khoa học và công nghệ, các nội dung được đưa vào chương trình giảng dạy ở khối trường phổ thông, các trường dạy nghề và một số trường ĐH hình thành cuộc vận động toàn xã hội xây dựng tác phong sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả.

Giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả ảnh 1
Sử dụng hệ thống máy lạnh trung tâm sẽ tiết kiệm điện hơn khi sử dụng nhiều máy lạnh riêng lẻ. Ảnh: Cao Thăng

Cụ thể, Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, UBND các cấp thực hiện chương trình thông qua các chương trình phát thanh - truyền hình trung ương, địa phương; phát hành các tờ rơi, tài liệu, thông tin qua trang web của chương trình; tổ chức 6 điểm trưng bày công nghệ; tổ chức các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật-công nghệ tiết kiệm năng lượng...

Bộ GD-ĐT tạo chủ trì, có sự tham gia của các sở GD-ĐT, các trường từ cấp tiểu học đến bậc đại học biên soạn giáo trình về giáo dục SDNLTK&HQ vào hệ thống giáo dục quốc gia ở các cấp học, cung cấp kiến thức khoa học cho thế hệ trẻ về biến đổi năng lượng, hiệu suất năng lượng, bảo tồn năng lượng v.v...

Riêng Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, UBND các địa phương, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam thực hiện triển khai thí điểm cuộc vận động xây dựng mô hình “sử dụng năng lượng tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong mỗi hộ gia đình”. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về vấn đề trên trong thời gian qua chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức.

  • Thực hiện... ít

Hiện trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện những thông tin kêu gọi người dân tránh sử dụng điện trong những giờ cao điểm. Tuy nhiên, cách tuyên truyền chưa đầy đủ cũng đang gây ra sự ngộ nhận trong ý thức TKNL của nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Họ cho rằng tiết kiệm điện chỉ đơn thuần là hạn chế tới mức thấp nhất việc sử dụng điện trong giờ cao điểm vì giá cao. Còn về vấn đề cải tạo công nghệ, đầu tư cuốn chiếu thiết bị lạc hậu bằng những công nghệ, thiết bị TKNL; tận thu nhiệt thải để tái sử dụng; sắp xếp dây chuyền sản xuất hợp lý giảm thiểu năng lượng cần tiêu hao… họ chưa nghĩ tới.

Về công tác GD-ĐT, ông Trương Quang Vũ, Trưởng phòng Thông tin, tiếp thị Trung tâm TKNL TPHCM cho biết, hiện chưa có một giáo trình chung nào cho vấn đề TKNL. Cũng xin nhắc lại, trong chương trình phát triển mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT xây dựng hẳn giáo trình giảng dạy về TKNL, nhưng theo một cán bộ của Bộ GD-ĐT, đây là vấn đề còn khá mới nên chưa có đội ngũ chuyên gia đáp ứng công tác này.

Ông Vũ cho biết thêm, hiện toàn bộ giáo trình tập huấn TKNL cho các thành phần kinh tế, xã hội của Trung tâm TKNL đều do trung tâm tự soạn hoặc đặt hàng các chuyên gia dựa trên thực tế và đối tượng triển khai. Ông Nguyễn Hoàng Minh Vũ, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho biết, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn chưa trở thành bộ môn giảng dạy chính thức trong trường học.

Giáo trình giảng dạy về vấn đề này cũng chưa có. Phần lớn những kiến thức sử dụng hiệu quả năng lượng đang được truyền đạt cho sinh viên như chương trình kỹ thuật điện hay trong môn học thiết kế kiến trúc đều dựa trên kinh nghiệm thực tế của giáo viên. Điều này dẫn đến sự không đồng nhất trong cách dạy, cách tiếp cận kiến thức của sinh viên, độ chuẩn của giáo trình và quan trọng nhất là hiệu quả giảng dạy không cao.

Tương tự, ông Lê Chí Hiệp, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, hiện tại chương trình đào tạo đại học của các bộ môn Công nghệ nhiệt lạnh, Hệ thống điện, Thiết bị điện và Cung cấp điện có đề cập một phần đến nội dung của Chương trình nhưng số lượng cán bộ giảng dạy có các hoạt động chuyên môn gắn với nội dung chương trình còn khá khiêm tốn. Cơ sở vật chất và trang thiết bị thí nghiệm còn rất nghèo nàn, lạc hậu nên hiệu quả chưa cao.

Không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc là nước dẫn đầu châu Á về số lượng người dân sử dụng máy nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Ngay từ năm 1996, Chính phủ Trung Quốc đã đề ra kế hoạch phát triển nguồn năng lượng mới, sạch vào cuộc sống. Bên cạnh nhiều giải pháp như trợ giá, giảm thuế… yếu tố tuyên truyền đặc biệt được chú ý với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng.

Do đó, ngoài việc Bộ GD-ĐT sớm hoàn thiện giáo trình giảng dạy về TKNL trong các cấp trường học, các ban ngành liên quan cũng cần xây dựng chiến dịch truyền thông, vận động người dân thuộc mọi thành phần xã hội tham gia hưởng ứng chủ trương TKNL của Chính phủ. 

CHÂU ANH

Tin cùng chuyên mục