Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu, “Hội nghị này, lãnh đạo tỉnh mong muốn lắng nghe ý kiến của tuổi trẻ về chuyển đổi số, phục vụ cải cách hành chính, góp phần đưa chuyển đổi số của tỉnh tiến hành nhanh, mạnh mẽ trong thời gian sắp tới”.
Theo Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, tỉnh đoàn đã lập fanpage Trang tin Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, thu hút hơn 15.000 lượt người theo dõi; chỉ đạo 100% đoàn cấp huyện và cơ sở thành lập trang fanpage liên thông với cấp tỉnh; sử dụng nhóm Zalo, Fanpage CLB, nhóm cộng đồng thanh niên trên mạng xã hội.
Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đang giao Sở GD-ĐT Quảng Ngãi triển khai Chương trình Sóng và máy tính cho em. Chương trình sẽ cấp phát hơn 18.000 máy tính bảng cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo; học sinh có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (có bố hoặc mẹ mất do dịch Covid-19) và chưa có máy tính để học tập trực tuyến.
Ông Nguyễn Tấn Đối, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có dự báo những ngành nghề mới xuất hiện. Và hiện nay, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện chuyển đổi số, không chỉ đạo tạo ngành nghề truyền thống mà phải chuyển đổi phù hợp với sự phát triển xã hội, với những ngành nghề mới”.
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tính đến nay, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chiếm tỉ lệ hơn 35% so với tổng phương tiện thanh toán; thanh toán qua các dịch vụ trung gian đạt khoảng trên 10% so với tổng phương tiện thanh toán. Hiện nay việc thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp trong đó nguyên nhân một phần từ phía người bán hàng, do vậy, thời gian đến mong muốn các thanh niên vận động, nâng cao ý thức chuyển đổi số, không dùng tiền mặt giao dịch”.
Đối với ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, địa phương đang phấn đấu đến năm 2025, 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiêu biểu của tỉnh được hỗ trợ, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử của tỉnh và các sàn thương mại điện tử khác. Từng bước số hóa vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh; phấn đấu 50% sản phẩm OCOP được số hóa; 100% có cơ sở dữ liệu quản lý về các hộ di dân bố trí ổn định theo hình thức tập trung, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ tại các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn…; các dự án bố trí ổn định dân cư tại các vùng thiên tai, đặc biệt, khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Ngãi, Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi đã xây dựng và đưa vào vận hành App Du lịch Quảng Ngãi - một công cụ hiện đại ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động marketing du lịch.
Để số hóa ngành du lịch, tỉnh Quảng Ngãi sẽ lựa chọn, ưu tiên các lĩnh vực quan trọng, có điều kiện thuận lợi, khả năng đáp ứng kinh phí để thực hiện chuyển đổi số; trong đó, tập trung vào việc đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm du lịch cho du khách như thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), 3D mapping, ứng dụng thẻ du lịch thông minh; tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử tại các điểm du lịch.