
Ngành Thanh tra TPHCM vừa tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thanh tra việc thực hiện pháp luật về khiếu nại, tố cáo năm 2007 và 8 tháng đầu năm 2008. Qua đó cho thấy tình hình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân tuy đạt được một số kết quả nhất định, song mức độ, số lượng đơn thư tồn đọng vẫn còn nhiều và phức tạp.
- “Dưới” vẫn dồn lên “trên”

Người dân tại khu đô thị mới Thủ Thiêm tại buổi làm việc với Thanh tra TP để thông qua kết luận thanh tra các dự án tái định cư.
Trong tổng số 42.071 đơn thư khiếu nại, tố cáo mà ngành Thanh tra TP nhận được trong thời gian qua, cấp quận - huyện có gần 14.000 đơn (chiếm gần 40% số đơn). Tại các sở ngành, tỷ lệ này hơn 50% với 22.700 đơn.
Điều đáng nói là ở 2 cấp này, số đơn thư thuộc thẩm quyền giải quyết chỉ chiếm trên dưới 50%, có nghĩa là số đơn thư dồn lên cấp trên chiếm một tỷ lệ đáng kể. Vì sao có tình trạng này?
“Do quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo chưa có sự phối hợp tốt giữa các ngành, các cấp; việc xác minh, trao đổi chứng cứ nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm túc, thiếu kịp thời, thậm chí còn có biểu hiện né tránh, kéo dài thời gian và cơ quan giải quyết lần đầu không cung cấp kịp thời thông tin, tài liệu cho cơ quan giải quyết lần hai” – Phó Chánh Thanh tra TPHCM Hoàng Đức Long nhận định.
Cũng theo ông Long, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài và có tính phức tạp xảy ra chủ yếu ở các quận - huyện đang trong quá trình đô thị hóa như: quận 2, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, huyện Nhà Bè… Điều này cho thấy, các cấp ủy Đảng và chính quyền tại đây chưa làm tốt công tác rà soát, nắm tình hình thực hiện các chính sách về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn để tìm biện pháp giải quyết tốt các mối quan hệ, lợi ích phát sinh giữa người dân và các chủ đầu tư dự án liên quan đến thu hồi đất, đền bù, giải tỏa, tái định cư.
Tình trạng cấp dưới “đẩy” lên cho trên vẫn còn khá phổ biến nhưng việc giải quyết không rốt ráo, thiếu tính thuyết phục, khiến người dân không tin và tiếp tục khiếu kiện vượt cấp. Những đơn, thư khiếu nại, tố cáo này đều được chuyển qua đơn thư giải quyết lần hai và cấp thẩm quyền xem xét-theo luật định là cấp trên của cấp đã giải quyết lần đầu. Thực trạng này dẫn đến sự quá tải cho cơ quan Thanh tra TP với số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo tiếp nhận bình quân mỗi năm lên đến gần 10.000 đơn.
- Quy định không thống nhất
Công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu kiện năm 2007 và 8 tháng năm 2008 ————— |
“Do nhiều quy định trong pháp luật chưa thống nhất” – ông Trần Đình Trữ, Trưởng phòng pháp chế tổng hợp, Thanh tra TPHCM khẳng định.
Theo ông Trữ, hiện nay việc giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai được điều chỉnh bởi 3 văn bản quy phạm pháp luật là Luật Đất đai năm 2003; Luật Khiếu nại, tố cáo sửa đổi năm 2005 và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.
Ông Trữ dẫn chứng: “Theo quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo thì người khiếu nại không bị hạn chế bởi quyền khởi kiện cơ quan hành chính ra tòa đối với những trường hợp đã có quyết định giải quyết lần hai. Trong khi Luật Đất đai và Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính chưa đặt vấn đề khởi kiện cơ quan hành chính ra tòa trong trường hợp đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Do đó, tại TPHCM hiện nay còn một lượng lớn các quyết định giải quyết khiếu nại lần hai mà người dân chưa chấp nhận, nên tiếp tục khiếu kiện ở cấp cao hơn”.
Một nguyên nhân khác dẫn đến tình hình khiếu kiện vượt cấp, kéo dài đó là hiện nay, tại TPHCM đang triển khai nhiều dự án cùng một thời điểm nhưng chính sách bồi thường, hỗ trợ lại khác nhau, làm cho người dân không đồng tình, bức xúc, phát sinh khiếu kiện đông người.
Phần lớn đơn thư tồn đọng có nội dung và tính chất phức tạp liên quan đến chính sách đền bù, giải tỏa, thu hồi đất, tái định cư… đòi hỏi phải có thời gian xem xét, thẩm tra, xác minh từ nhiều cơ quan chức năng, nên thường bị kéo dài về thời gian. Khối lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo lớn, phức tạp trong khi đội ngũ cán bộ tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu và không ổn định.
Bên cạnh đó, một số cơ quan báo đài khi nhận đơn, trả lời đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thiếu chính xác, không đúng thẩm quyền, dẫn đến “nhiễu thông tin” và gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân .
HOÀI NAM
TPHCM: Hơn 20% số đơn thư khiếu nại tố cáo thuộc thẩm quyền còn tồn đọng 6 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn TPHCM còn tồn đọng khoảng 3.000 đơn thư khiếu nại tố cáo, chiếm trên 20% tổng số đơn thuộc thẩm quyền giải quyết. Một số đơn vị tồn đọng nhiều hồ sơ như: UBND quận 12: 261 đơn, UBND quận 9: 249 đơn, Cục thuế TP: 238 đơn, Sở Tài Nguyên và Môi trường TP: 186 đơn… Công tác hòa giải tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TP (6 tháng đầu năm 2008) chỉ đạt 46% hòa giải thành (1.692/3.642 trường hợp). Một số địa phương đạt tỷ lệ hòa giải thành thấp: huyện Nhà Bè 170/1.319 vụ việc (chiếm 12,9%); quận 12 82/305 vụ việc (chiếm 27%)… N.H.H. |