LTS: Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 11 do Báo SGGP và Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức sẽ diễn ra vào tối nay tại Hội trường thành phố, số 111 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3 với sự tham dự của lãnh đạo TPHCM, các ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn... Báo SGGP tiếp tục giới thiệu bạn đọc các cá nhân đoạt giải lần này.
- Lê Đức Dục: Say mê lao động sáng tạo
Gần gũi, khiêm tốn và say mê công việc là ấn tượng đầu tiên khi gặp anh Lê Đức Dục (ảnh, bên phải). Năm 1993, sau khi tốt nghiệp khoa Hóa Đại học Tổng hợp TPHCM, anh về làm công nhân vận hành máy thành phẩm tại Xí nghiệp Bao bì Liksin. Đến năm 1996, anh được bổ nhiệm làm trưởng ca máy rồi tổ trưởng tổ kỹ thuật - quản lý chất lượng và hiện nay anh là Phó Giám đốc Xí nghiệp In Bao bì giấy Liksin, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Nghiên cứu phát triển Tổng Công ty Liksin, Bí thư Đoàn Tổng Công ty Liksin, Đảng ủy viên Đảng bộ Tổng Công ty Liksin.
Những tưởng với bề bộn công việc như vậy thì không còn thời gian để anh nghiên cứu sáng tạo. Thế nhưng chỉ tính 3 năm trở lại đây, anh đã có hàng chục sáng kiến, cải tiến làm lợi cho đơn vị hàng tỷ đồng. Anh kể: “Năm 2009, trước nhu cầu thực tế của thị trường, tôi bắt đầu công trình nghiên cứu và phát triển bao bì mỹ phẩm tạo mờ bề mặt bằng phương pháp in offset. Lúc đó, tôi dành hết tâm huyết cho công trình này, bởi nếu thành công sẽ tạo nên một dòng sản phẩm mới có thể thay thế bao bì truyền thống vì chất lượng hơn hẳn và dễ cạnh tranh trên thị trường. Cuối cùng công trình đã thành công và đạt kết quả ngoài cả sự mong đợi”. Sản phẩm bao bì này được khách hàng rất ưa chuộng và đã làm lợi cho xí nghiệp gần 1,1 tỷ đồng.
Tiếp đó, trước yêu cầu khách hàng, khi in bằng tờ rời, năng suất thấp… anh đưa ra giải pháp màng phủ Primer dạng cuộn để giảm lượt in trên máy 5 màu UV. Giải pháp này đã mang lại năng suất cao, giảm nhân công, giảm 50% thời gian sản xuất, mang lại lợi nhuận cho đơn vị 750 triệu đồng.
Trưởng thành từ công nhân trực tiếp sản xuất cộng với vốn kiến thức được đào tạo bài bản trong nhà trường nên ngoài phụ trách công tác Đảng, công tác quản lý, anh muốn mang những kiến thức và kinh nghiệm truyền đạt cho CB - CNV. Đã có hơn 400 lượt công nhân, trên 100 tổ trưởng, tổ phó sản xuất được anh truyền đạt, đào tạo.
Hồ Việt
- Phạm Tấn Hùng: Làm thợ trước hết phải yêu nghề
Năm 1991, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Phạm Tấn Hùng (ảnh, bên phải) xin vào làm công nhân bốc xếp tại Công ty TNHH Đồng Tâm. Từng là lính nên anh có tác phong làm việc hết sức nghiêm túc, kỷ luật, đặc biệt là tinh thần lao động sáng tạo.
Từ một lao động phổ thông, anh học thêm nghề gạch bông và được phân công làm nhóm trưởng, rồi ca trưởng. Năm 2006, anh được chuyển về làm ở nhà máy tại huyện Bình Chánh (TPHCM). Tại đây, phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo được lãnh đạo đặc biệt chú trọng và anh là người đi đầu. Sáng kiến được ghi nhận đầu tay của anh là làm khuôn ngói ốp cuối rìa. Sau khi quan sát các căn nhà lợp ngói của Đồng Tâm có viên ốp cuối rìa không có miếng chắn, thiếu mỹ quan, anh đề xuất hướng cải tiến. Không ngờ sản phẩm được thị trường rất ưa chuộng, làm lợi cho công ty mỗi tháng gần 5 triệu đồng. Tiếp đó, anh đưa ra ý tưởng cải tiến béc phun keo trên ngói từ 3 béc xuống 2 béc để giảm tỷ lệ hao hụt keo và làm cho bề mặt ngói láng mịn hơn.
Sáng kiến này không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà tiết kiệm cho công ty 8 triệu đồng tiền mua keo. Sáng kiến mà anh tâm đắc nhất là cải tạo hệ thống phun dầu trên dây chuyền ngói lợp. Anh cho biết, trong quá trình sản xuất thấy dầu phun trên mặt ngói không đều, phun ra ngoài gây lãng phí, ô nhiễm môi trường... Anh mạnh dạn đề xuất thay đổi hệ thống phun dầu bằng khí nén và cho hiệu quả cao. Sáng kiến này đạt được nhiều mục tiêu như giảm hao hụt dầu, chất lượng sản phẩm được nâng lên, môi trường làm việc sạch hơn, tiết kiệm cho đơn vị gần 300 triệu đồng/năm.
Về phần mình, anh chỉ nói ngắn gọn: “Những sáng kiến của tôi đều bắt nguồn từ thực tế lao động sản xuất. Qua quan sát, tìm hiểu thấy cần thiết thì đề xuất cải tiến cho phù hợp. Một người thợ trước hết phải yêu nghề và sự say mê đó sẽ khơi nguồn cho mọi ý tưởng sáng tạo”.
Hồ Thu
- Lê Văn Tạo: Những sáng kiến từ chữ tâm
Là doanh nghiệp sản xuất hơn 100 mặt hàng thực phẩm đông lạnh và nước chấm, tương ớt các loại, Công ty cổ phần Thực phẩm Cholimex rất cần trang bị nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, do đặc thù của nhiều loại sản phẩm, cộng thêm điều kiện hạn chế, công ty không thể đầu tư đầy đủ các loại máy móc cần thiết.
Trước tình hình này, anh Lê Văn Tạo (ảnh, Phó Giám đốc Xưởng Cơ khí - Bảo trì) đã cùng anh em trong xưởng tự nghiên cứu để cải tiến, chế tạo máy. Một trong những sáng kiến anh Tạo tâm đắc là máy chiết rót sa tế được thiết kế vào năm 2010. Để hòa trộn hỗn hợp dầu, ớt, nước theo đúng tỷ lệ và không bị tách lớp, nếu bằng phương pháp thủ công sẽ mất nhiều thời gian, năng suất không cao. Trong khi đó, máy chiết rót sa tế của một công ty nước ngoài lại được chào bán với giá 55.800 USD. Lúc đó anh nghĩ: “Tại sao không thể thử tìm hiểu loại máy này, biết đâu có thể chế tạo được, đỡ chi phí cho công ty”.
Nghĩ là làm, anh cùng hai đồng nghiệp (là giám đốc và một phó giám đốc khác của xưởng) ngày đêm nghiên cứu, mày mò từng chi tiết máy. 4 tháng sau, kết quả máy chiết rót sa tế do các anh chế tạo ra đời (hoạt động bằng phương thức trộn các thành phần rồi bơm bằng pít - tông vào chai) với giá thành chỉ 156 triệu đồng, tiết kiệm cho công ty 900 triệu đồng. Điểm đặc biệt là chiếc máy này có thể tháo ráp dễ dàng để làm vệ sinh (điều mà máy ngoại chào bán khó thực hiện), nhờ vậy đảm bảo được an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, máy có 10 bộ vòi chiết, hơn 2 bộ so với máy do công ty nước ngoài thiết kế nên có thể sử dụng cho các loại chai khác. Nhưng điều khiến anh hài lòng nhất là hạn chế tối đa tai nạn lao động do không phải sản xuất bằng phương pháp thủ công.
Cũng trong năm 2010, từ nhu cầu mở rộng nhà xưởng mới, nhà máy cần hệ thống điện động lực tương ứng nhưng giá thành do một đơn vị thiết kế, thi công bên ngoài đưa ra đến 1,2 tỷ đồng. Phát huy kiến thức chuyên môn của một kỹ sư điện công nghiệp, anh Tạo cùng các đồng nghiệp nghiên cứu thiết kế thành công, làm lợi cho công ty hơn 500 triệu đồng. Trước đó, anh Tạo cũng có nhiều công trình cải tiến kỹ thuật, tiết kiệm cho công ty hàng trăm triệu đồng. Anh Tạo bộc bạch: “Thấy công nhân làm việc vất vả, tôi chỉ muốn cải tiến làm sao để công việc nhẹ nhàng hơn chứ không nghĩ sẽ được khen thưởng. Nếu làm việc bằng cái tâm, mọi việc đều có thể hoàn thành”.
Ái Chân