Giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 26 năm 2023 - Giáo viên trung học cơ sở: Những cánh chim không mỏi

Cấp trung học cơ sở (THCS) là giai đoạn giáo dục mang tính bản lề, thực hiện nhiệm vụ phân luồng học sinh, đồng thời chuyển tiếp từ bậc tiểu học lên trung học phổ thông. Với trọng trách đó, giáo viên ở cấp THCS phải không ngừng sáng tạo, vừa khơi gợi đam mê học thuật vừa trang bị cho học sinh kỹ năng, kiến thức để phát triển trong tương lai.

Người thầy truyền cảm hứng

Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Tân Phú) mới đi vào hoạt động 3 năm nay. Mặc dù tuổi đời còn non trẻ, nhưng ngôi trường đã sớm ghi dấu ấn thành tích bởi có lực lượng giáo viên đầy tâm huyết. Một trong số đó là thầy Nguyễn Văn Hưng, Tổ trưởng Tổ Lịch sử - Địa lý - Giáo dục công dân - Âm nhạc. Đến với nghề giáo bằng cơ duyên tình cờ, nhưng với nghị lực phi thường, chàng trai trẻ đã mỗi ngày vượt quãng đường từ nhà đến Trường Đại học Sư phạm TPHCM hơn 30km để hoàn thành 4 năm học. Sau khi tốt nghiệp, thầy Hưng được phân công về một ngôi trường cách nhà 25km. Điều kiện đi lại khó khăn vẫn không làm vơi đi nhiệt huyết của thầy giáo trẻ, trái lại còn trở thành động lực giúp thầy tự nhắc nhở mình không ngừng cố gắng để hái được “quả ngọt”.

Thầy Nguyễn Văn Hưng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Tân Phú, hướng dẫn học sinh cách trình bày và thiết kế sa hình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thầy Nguyễn Văn Hưng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Tân Phú, hướng dẫn học sinh cách trình bày và thiết kế sa hình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, đa phần học sinh lớp thầy Hưng chủ nhiệm có cha mẹ là lao động phổ thông hoặc dân nhập cư từ nơi khác đến, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ không có nhiều thời gian quan tâm việc học của con cái. Do đó, giáo viên phải dành nhiều thời gian chia sẻ tâm tư, tình cảm cũng như quan tâm việc học mỗi ngày của học sinh. Để giúp các em yêu thích môn Địa lý, trong tất cả giờ học, thầy đều tổ chức các hoạt động vui nhộn như chơi đoán ô chữ, đọc tên tỉnh, thành phố qua gợi ý về hình ảnh, thi đua thiết kế báo tường, vẽ sơ đồ tư duy…; từ đó tăng cường sự chủ động, sáng tạo, khơi gợi tinh thần tự học của học sinh. Ngoài ra, hàng năm thầy Hưng đều duy trì phong trào “nuôi heo đất” để tất cả thành viên trong lớp chung tay giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ được sự đồng hành cả về tinh thần lẫn vật chất, nhiều học sinh sau này đã tiếp bước thầy theo con đường sư phạm, trở thành giáo viên dạy môn Địa lý để tiếp tục lan tỏa các phương pháp dạy học tiến bộ, rèn luyện cho học sinh không chỉ tri thức mà cả đạo đức, lối sống.

Tôi luyện qua gian khó

Năm học 2023-2024 là “chuyến đò” cuối cùng trong hành trình “đưa học trò sang sông” của cô Nguyễn Thị Minh Duyên, Tổ trưởng Tổ Vật lý - Hóa học - Sinh học, Trường THCS Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Sau 34 năm đứng trên bục giảng, ký ức về những ngày tháng đầu tiên đến với học sinh ở khu vực vùng sâu, vùng xa của huyện Nhà Bè vẫn in sâu trong lòng cô Minh Duyên. Thời điểm đó, để đến trường, học sinh phải xin quá giang nhiều lượt ghe, đò. Các em đến lớp với đầu trần, chân đất, dùng túi ni lông đựng sách vở, những bộ quần áo lấm tấm bùn non. Để vận động học sinh ra lớp, giáo viên phải lặn lội đến từng nhà, thuyết phục từng phụ huynh. Điều kiện đi lại và học tập của học sinh quá khó khăn đã thôi thúc cô giáo Minh Duyên quyết tâm bám trụ trường lớp, mang con chữ đổi lấy tương lai tươi sáng hơn cho học trò. Từ những bài giảng của cô, nhiều thế hệ học sinh đã trưởng thành, có người quay lại góp sức xây dựng quê hương. Thời gian sau này, trường lớp và hoàn cảnh sống của học sinh dần thay đổi, tuy nhiên tình cảm và sự gắn bó của cô với ngôi trường đã đi trọn những năm tháng tuổi trẻ vẫn nguyên vẹn. Nơi đó, có một người vẫn lặng lẽ lưu giữ tất cả những tấm thiệp, món quà của học sinh và phụ huynh như cất giữ một phần ký ức không thể tách rời.

Cô Nguyễn Thị Minh Duyên, giáo viên Trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, hướng dẫn các học sinh học nhóm. Ảnh: CAO THĂNG

Cô Nguyễn Thị Minh Duyên, giáo viên Trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, hướng dẫn các học sinh học nhóm. Ảnh: CAO THĂNG

Chia sẻ về quá trình giảng dạy, cô Minh Duyên cho biết, nhiệm vụ của giáo viên là đưa các kiến thức đến với học sinh, khích lệ các em chủ động nghiên cứu, tìm hiểu kiến thức mới. Để giúp học sinh hiểu sâu và nhớ lâu kiến thức, bài dạy thường được cô thiết kế trên các phần mềm dạy học hiện đại, kết hợp nhiều hoạt động học tập đa dạng như trò chơi, đố vui, làm mô hình, sản phẩm, từ đó giúp học sinh tăng thêm hứng thú học tập. Trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cô cho rằng, giáo viên muốn tận tâm phải có đủ bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống sư phạm khác nhau trong thực tế. Khi đó, khó khăn không còn là trở ngại mà trở thành đòn bẩy giúp giáo viên thường xuyên cập nhật kiến thức, làm mới mình qua các phương pháp giảng dạy.

Đẩy mạnh “trường học số”

Với 15 năm kinh nghiệm ở vai trò cán bộ quản lý, cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), nhận thức rằng, nếu hiệu trưởng chỉ giao việc mà không trao đổi tận tình thì sẽ không truyền được lửa cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong trường. Ngược lại, nếu hiệu trưởng có sự đồng hành, cùng làm, cùng “gỡ rối” với giáo viên thì sẽ giúp các hoạt động triển khai đúng hướng. Như vậy, cán bộ quản lý dù kinh nghiệm dày dạn đến đâu cũng cần học hỏi thêm từ thực tế, kề vai sát cánh với giáo viên để vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, để giúp giáo viên phát huy tối đa sự nhiệt tình với công việc, hiệu trưởng phải là người làm gương, thường xuyên tự bồi dưỡng, luôn đi đầu trong các hoạt động.

Cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, cùng các học sinh tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường. Ảnh: CAO THĂNG

Cô Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, cùng các học sinh tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường. Ảnh: CAO THĂNG

Hiện nay, Trường THCS Nguyễn Du được biết đến là một trong những nơi ươm mầm, đào tạo và phát triển các tài năng học sinh giỏi trên địa bàn quận Gò Vấp nói riêng, TPHCM nói chung. Có được thành công đó, người hiệu trưởng đã tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội hóa, huy động sức mạnh tập thể của cha mẹ học sinh để nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục tại nhà trường. Đặc biệt, trong năm học 2023-2024, nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, toàn trường đẩy mạnh học tập, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đồng thời xây dựng kho học liệu số tương tác nhằm thúc đẩy khả năng tự học của học sinh. Song song đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cũng được quan tâm đầu tư, như máy vi tính, màn hình tương tác, các phần mềm quản lý dạy học… Nhờ đó, học sinh tích cực hơn khi tham gia các hoạt động học tập, cha mẹ học sinh nắm bắt nhanh chóng thông tin học tập của con và kịp thời phối hợp với nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy.

10 cán bộ quản lý, giáo viên THCS được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023:

- Ngô Thị Thúy Loan, giáo viên Trường THCS Phú Thọ, quận 11

- Đào Thị Hồng Phước, giáo viên Trường THCS Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận

- Nguyễn Thị Minh Duyên, giáo viên Trường THCS Hiệp Phước, huyện Nhà Bè

- Lê Duy Tuấn, giáo viên Trường THCS Long Phước, TP Thủ Đức

- Nguyễn Thị Kim Phượng, giáo viên Trường THCS An Thới Đông, huyện Cần Giờ

- Lê Tấn Danh, giáo viên Trường THCS Bình Chánh, huyện Bình Chánh

- Nguyễn Văn Hưng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi, quận Tân Phú

- Nguyễn Đức Phùng, giáo viên Trường THCS Vân Đồn, quận 4

- Trần Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong, quận 5

- Trương Thị Đẹp, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp

Tin cùng chuyên mục