Giảm gánh nặng

- Nhiều giảng viên đại học tỏ ra lo lắng về chất lượng đầu vào, khi có tới 99% thí sinh đăng ký xét tuyển năm nay đậu đại học. Mà điều đó đồng nghĩa rằng chất lượng cử nhân khi tốt nghiệp sẽ không khả quan?

- Đó đã là thực tế nhiều năm qua, chứ không phải suy đoán. Xung quanh câu chuyện chất lượng đào tạo, đang có sự khác biệt lớn về đánh giá nguyên nhân. Phía các trường cho rằng học phí thấp là trở ngại để nâng chất. Không đủ tiền, sẽ không xây dựng được cơ sở vật chất đạt chuẩn, không mời được giảng viên xịn, khó mở rộng giao lưu học thuật… Còn phía quản lý thì e ngại phản ứng bất lợi của xã hội khi tăng học phí.

- Tranh cãi này còn tồn tại lâu. Chẳng lẽ điều này sẽ dẫn đến khả năng không ít trường đại học bị… thiếu oxy?

- Không phải vậy đâu. Khi không tăng được học phí, các trường đại học lập tức có cách xoay. Họ sẽ chuyển một phần chi phí hoạt động vô các khoản khác mà sinh viên phải đóng. Nhiều sinh viên có điều kiện eo hẹp đang toát mồ hôi vì tiền đồng phục cả triệu đồng. Nữa, là tiền tin nhắn SMS, tiền sinh hoạt đầu khóa, tiền hệ thống quét trùng lặp… Không đóng tiền thì khỏi học!

- Trường đại học ở mình rất nhiều, mà chất lượng thì đa số vẫn còn lẹt đẹt. Vào năm học mới, nguyện vọng của sinh viên là giảm được gánh nặng, và học phí sớm có lối ra.

Tin cùng chuyên mục