
Hôm qua 30-6, Thành ủy TPHCM đã tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 09-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương “Về một số vấn đề cấp bách cần thực hiện trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo”. Theo đánh giá, mặc dù số vụ khiếu nại, tố cáo trên địa bàn TPHCM có giảm, song tính chất và mức độ lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh những vấn đề phức tạp.
- Đã hạn chế được các “điểm nóng” nhưng...

Tại nhiều địa phương công tác giải quyết khiếu nại tố cáo vẫn còn những hạn chế, bất cập.
Theo báo cáo tổng kết của Thành ủy TPHCM, qua hơn 3 năm thực hiện Chỉ thị 09 và Kế hoạch số 01 “Về kiểm tra lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân”, nhờ tăng cường tổ chức tiếp công dân, tiếp xúc, đối thoại để giải quyết khiếu nại, tố cáo, phát huy vai trò của các hội, đoàn trong việc kiểm tra, giám sát nên đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tuy nhiên, theo Phó Chánh thanh tra TP Hoàng Đức Long, tình hình thi hành Luật Khiếu nại, tố cáo vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém.
Công tác tiếp công dân ở nhiều nơi chưa thực hiện tốt; phân công phân cấp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo không rõ ràng; cấp cơ sở ít hòa giải, giải quyết chưa tốt, có trường hợp giải quyết sai nên lượng đơn khiếu nại, tố cáo dồn về cấp TP; việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật còn kéo dài, nhiều quyết định chưa được tổ chức thực hiện.
Phần lớn nội dung đơn khiếu nại tập trung vào các lĩnh vực nhà, đất, quy hoạch, đền bù giải tỏa, tái định cư; nội dung đơn tố cáo tập trung vào những hành vi tham nhũng, vi phạm các quy định quản lý hành chính, kinh tế, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tư pháp.
Thế nhưng, một bộ phận cán bộ lại không am hiểu chính sách, pháp luật, năng lực trình độ nghiệp vụ hạn chế; thường chuyển đơn lòng vòng, chậm khắc phục việc giải quyết đơn quá thời hạn luật định, càng khiến sự bức xúc của người dân gia tăng.
- Nguyên nhân: kỷ cương chưa nghiêm
Theo Thành ủy TPHCM, nguyên nhân khiến việc thực hiện Chỉ thị 09 và pháp luật về khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn TP có cả khách quan lẫn chủ quan.
Qua giải quyết khiếu tố, TP cũng đã xử lý kỷ luật 643 cán bộ các cấp có sai phạm, thu hồi cho nhà nước hơn 14,7 tỉ đồng, 920,3 ha đất; trả lại tập thể, cá nhân hơn 1,6 tỉ đồng. Trong số 70.551 đơn khiếu nại, tố cáo mà cơ quan chức năng toàn TP tiếp nhận trong 6 năm qua, có 58.675/65.025 đơn khiếu nại theo thẩm quyền và 4.859/5.526 đơn tố cáo đã được giải quyết. |
Nguyên nhân khách quan là do hệ thống pháp luật về khiếu nại tố cáo chưa đồng bộ; thời gian, thời hiệu, thẩm quyền, trình tự giải quyết quy định trong Luật Đất đai và các nghị định xử phạt hành chính chưa phù hợp với Luật Khiếu nại, tố cáo; nhiều vụ khiếu kiện phức tạp kéo dài do lịch sử để lại, đến nay trung ương vẫn chưa có chủ trương, hướng dẫn.
Còn chủ quan, trong khi một số cấp ủy chưa quán triệt sâu sắc các quan điểm, yêu cầu cấp bách trong công tác giải quyết khiếu tố theo tinh thần Chỉ thị 09 dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện thiếu tập trung, hiệu quả thấp thì công tác giáo dục, nâng cao trình độ năng lực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là pháp luật khiếu nại tố cáo của cán bộ, đảng viên và quần chúng còn hạn chế.
“Kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy chính quyền và xã hội không nghiêm, người không chấp hành, người sai phạm chưa được xử lý đến nơi đến chốn; người ra quyết định sai, người khiếu kiện sai chưa được xử lý triệt để là nguyên nhân phát sinh khiếu kiện ở nhiều nơi, nhiều chỗ…”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Lê Hoàng Quân nhận định.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho rằng: Các cấp ủy Đảng, nhất là ở những nơi xảy ra khiếu nại phức tạp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo; rà soát từng vụ việc và có kế hoạch phân công chỉ đạo tích cực, nghiêm túc trong thời gian sớm nhất.
Khi xảy ra vụ việc phức tạp, đông người thì phải có người lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, thống nhất; không nóng vội, phải vận động, thuyết phục, đối thoại là chính, nhưng khi cần thiết phải dùng biện pháp mạnh đối với những trường hợp lợi dụng khiếu nại để gây rối. Phối hợp chỉ đạo chặt chẽ trong cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa bảo vệ quyền lợi của Nhà nước; vừa bảo vệ lợi ích hợp pháp của công dân.
HOÀI NAM – PHẠM TRƯỜNG
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Minh Triết: |