Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Theo nghiên cứu của Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường TPHCM, biến đổi khí hậu (BĐKH) và các tác động đi kèm như nhiệt độ trái đất tăng đã kéo theo băng ở 2 cực tan, mực nước biển dâng làm mặn nguồn nước gây thiệt hại cho các khu vực ven biển và hải đảo. Tình trạng này còn làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán… gây thiệt hại cho đời sống và sản xuất. 
Hoạt động chăn nuôi gây phát thải khí nhà kính
Hoạt động chăn nuôi gây phát thải khí nhà kính

Nỗ lực giảm tác động BĐKH

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ tác động của BĐKH gây nên. Dự báo vào cuối thế kỷ 21, TPHCM sẽ có khoảng 17,8% diện tích bị ngập. Nhận thức được điều này, TPHCM đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ 2 năm một lần nhằm xác định các nguồn thải khí nhà kính và tính toán tổng lượng phát thải trên địa bàn thành phố, từ đó dự báo được lượng phát thải trong các giai đoạn tiếp theo. Các chuyên gia đã cảnh báo rằng, nếu không triển khai đồng bộ các giải pháp ở tất cả các lĩnh vực mà cứ tiếp tục phát thải khí nhà kính sẽ làm nặng nề thêm những thay đổi của khí hậu toàn cầu, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của nó lên tự nhiên và con người.

Tại TPHCM, bên cạnh các nguồn phát thải chính như hoạt động giao thông, sử dụng năng lượng, xây dựng, thành phố cũng đang phải đối mặt với nguồn thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán, trong năm 2016, các hoạt động này đã làm phát thải khoảng hơn 7.000 tấn CO2. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ các hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản khoảng 392,62 tấn CO2; từ các hoạt động bón vôi và phân urê cho cây trồng khoảng 6.468 tấn CO2; từ hoạt động đốt sinh khối ngoài đồng khoảng 103,19 tấn CO2 và từ sử dụng, chuyển đổi đất là hơn 190 tấn CO2. Như vậy, trong các lĩnh vực được phân chia, phát thải từ lĩnh vực năng lượng cố định và lĩnh vực giao thông chiếm 92% tổng lượng phát thải; lĩnh vực phát thải từ chất thải công nghiệp là 7%; còn lại phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 1%. 

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp 

Để đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm Công nghệ và Quản lý môi trường TPHCM đã đề xuất các giải pháp: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ biogas để xử lý phế thải chăn nuôi, sử dụng khí thải từ xử lý phế thải chăn nuôi để làm nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu hóa thạch; ứng dụng công nghệ ủ yếm khí chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm... Đối với các hoạt động sử dụng đất, thành phố cần đẩy mạnh trồng rừng, phục hồi rừng, xúc tiến tái sinh và làm giàu rừng trên các vùng đất quy hoạch cho lâm nghiệp theo chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2020-2030. 

Một số ý kiến cho rằng, nhận thức được những ảnh hưởng nặng nề do BĐKH gây ra, Việt Nam cũng tích cực tham gia cùng cộng đồng thế giới phấn đấu thực hiện mục tiêu Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH đề ra và giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 2oC vào cuối thế kỷ này. Ngoài ra, thỏa thuận Paris đã chính thức có hiệu lực từ năm 2016 đối với 95 quốc gia đã ký kết. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu và cam kết cắt giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường tính đến năm 2030. Và có thể cắt giảm lên đến 25% với sự hỗ trợ của quốc tế. 

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến việc giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH. Đây được xem là những tiền đề cần thiết để TPHCM có thể triển khai các giải pháp hiệu quả.

Theo đó, trên cơ sở xác định những yếu tố ảnh hưởng, các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng sẽ được xây dựng tác động đến khả năng hấp thụ và phát thải khí nhà kính theo chiều hướng có lợi cho việc giảm phát thải ròng. Để giảm thiểu khí nhà kính trong nông nghiệp, chúng ta cần tăng cường các biện pháp quản lý, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường khả năng dự trữ, hấp thụ carbon trong các bể chứa hệ sinh thái; tránh phát thải bằng cách thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng nhiên liệu sinh học từ cây trồng và phụ phẩm nông nghiệp; tránh và hạn chế canh tác nông nghiệp ở những khu vực có rừng, đồng cỏ, thảm thực vật.

Tin cùng chuyên mục