Giám sát công tác đầu tư xây dựng cơ bản tại TPHCM, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên: Hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh bổ sung dự án

Ngày 15-8, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) do đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH dẫn đầu đã có cuộc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn TPHCM từ năm 2005 đến 2007. Cùng tham dự buổi làm việc có các đồng chí Lê Hoàng Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Hà Văn Hiền, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH; Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH và các vị đại biểu QH, đoàn ĐBQH TPHCM.

Nghị định hướng dẫn luật... “khác” luật!?

Theo UBND TPHCM, trong 3 năm (2005 - 2007) có 1.082 dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư hơn 94.345 tỷ đồng. Tất cả các dự án được đưa vào sử dụng trong 3 năm qua đều mang tính cấp bách, đáp ứng các yêu cầu thiết thực của người dân, có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Trong đó, gần 60% dự án là xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, đầu tư cho giáo dục, nông nghiệp và nông thôn.

Qua thời gian thực hiện các dự án, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM Thái Văn Rê cho biết, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn về quản lý xây dựng cơ bản của địa phương. Cụ thể như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng phải mất đến 6 tháng kể từ khi luật có hiệu lực thi hành mới có nghị định hướng dẫn. Chưa hết, lâu nay vẫn tồn tại tình trạng “muốn triển khai luật phải chờ nghị định, muốn triển khai nghị định phải chờ thông tư của bộ, ngành liên quan …”. Điều này đã làm cho các cơ quan quản lý nhà nước rất lúng túng, vì nghị định cũ đã hết hiệu lực thi hành, trong khi nghị định mới không đầy đủ, chưa áp dụng được.

Không chỉ thế, các nghị định có sự mâu thuẫn lẫn nhau, thậm chí có những quy định trong nghị định hướng dẫn luật lại khác biệt so với luật! Dẫn chứng vấn đề này, ông Thái Văn Rê cho biết: Theo Luật Xây dựng thì chủ đầu tư xây dựng công trình là người sở hữu vốn hoặc là người được giao quản lý và sử dụng vốn để đầu tư xây dựng công trình. Còn theo Luật Đấu thầu thì chủ đầu tư là người sở hữu vốn hoặc được giao trách nhiệm thay mặt chủ sở hữu, người vay vốn trực tiếp quản lý và thực hiện dự án.

Tuy nhiên, Nghị định số 112 hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu lại quy định “Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan cấp bộ, chủ tịch UBND các cấp quyết định đầu tư thì chủ đầu tư là đơn vị quản lý, sử dụng công trình”. Như vậy, nghị định này có phần khác biệt cả với Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu. Theo UBND TPHCM, nhìn chung tình hình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý đầu tư xây dựng trong thời gian qua chưa kịp thời, chưa phù hợp, nhiều nội dung chưa thống nhất với nhau.

Không vì mục tiêu cục bộ mà để dân thiệt thòi

Ông Đặng Như Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH bức xúc: Luật, nghị định vừa chồng chéo, vừa chưa kịp thời, rồi nghị định lại “đá” luật, như vậy cơ quan ban hành có vi phạm pháp luật không? Có nên dùng biện pháp chế tài, xử lý các cơ quan ban hành không? Tại sao hầu như 100% dự án đều có phát sinh? Công tác chọn đơn vị tư vấn thiết kế như thế nào? Ông Thái Văn Rê thừa nhận: Năng lực của một số đơn vị tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu trong việc lập dự án, dự toán, khảo sát thiết kế …

Do vậy, công trình thực hiện chậm so với thời gian quy định và chất lượng chưa cao, phải chỉnh sửa nhiều lần. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận đặt vấn đề có hay không khi thu hồi đất của dân thực hiện dự án thì chỉ quan tâm đến lợi ích của Nhà nước doanh nghiệp, còn lợi ích người dân bị “bỏ quên”? UBND TPHCM khẳng định: Người dân có đất bị ảnh hưởng bởi dự án được bồi thường theo giá thị trường trong điều kiện bình thường, cộng với nhiều chính sách hỗ trợ tái định cư, đào tạo nghề.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền chất vấn việc bố trí vốn cho các dự án đầu tư có dàn trải, lãng phí hay không? Ông Thái Văn Rê khẳng định: Không có chuyện dàn trải, bởi vì việc triển khai dự án luôn thực hiện đúng với nguyên tắc và định hướng đã được HĐND TPHCM thông qua. Cùng với việc bố trí vốn dứt điểm cho các công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm thì kế hoạch đầu tư xây dựng cũng được điều chỉnh bổ sung hàng quý đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.

Giải trình thêm với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, việc bố trí vốn dàn trải, gây lãng phí là có, nhưng rất ít. Xác định công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản có ý nghĩa rất quan trọng nên UBND TPHCM luôn đặt mục tiêu làm sao sử dụng đồng tiền của người dân trong việc phát triển kinh tế – xã hội phải đạt hiệu quả cao nhất, không để tiêu cực xảy ra. Dù hệ thống pháp lý có chặt chẽ đến đâu nhưng con người thực hiện không có lương tâm, trách nhiệm thì không thể triệt được tiêu cực. Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh: Chúng tôi không thể vì mục tiêu cục bộ của cơ quan công quyền trong việc thu hồi đất, thực hiện dự án mà để người dân thiệt thòi. Đầu tư vào các công trình hạ tầng, chỉnh trang đô thị là để người dân có cuộc sống khang trang hơn, chứ không để dân nghèo đi.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên lưu ý: TPHCM là một đô thị lớn, mỗi con số tăng trưởng của TP đều ảnh hưởng đến cả nước. Do vậy, khi triển khai các dự án công trình trên địa bàn TP phải dự tính các hạng mục thật sát, hạn chế đến mức thấp nhất việc điều chỉnh, bổ sung. Chính việc điều chỉnh, bổ sung là cơ hội cho tiêu cực, tham nhũng. Tình trạng chồng chéo giữa các quy định, luật, có khi nghị định, thông tư còn “thoát ly” ra khỏi luật là có thật và QH cũng đã thừa nhận đây là khâu yếu. Từ thực tiễn kết quả giám sát tại các địa phương, QH sẽ cố gắng khi ban hành luật càng cụ thể càng tốt. 

TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục