Giảm tải cho bệnh viện nội thành TPHCM: Xây dựng cơ sở 2… cũng rối

Giảm tải cho bệnh viện nội thành TPHCM: Xây dựng cơ sở 2… cũng rối

Từ cuối năm 2007, UBND TPHCM có chỉ đạo không xây dựng mới các cơ sở y tế ở khu vực trung tâm TP và các quận nội thành, chỉ được phép sửa chữa, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị, từng bước hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế. Việc đầu tư xây dựng mới sẽ được triển khai tại các quận mới và các huyện ngoại thành, các cửa ngõ ra vào TP. Với chỉ đạo này, nhiều cơ sở y tế hiện hữu nằm trong khu vực trung tâm TP đang dở khóc dở cười…

Dự án hết treo, lại bị... hụt

Giảm tải cho bệnh viện nội thành TPHCM: Xây dựng cơ sở 2… cũng rối ảnh 1

BV Chấn thương chỉnh hình luôn đông nghẹt bệnh nhân như thế này. Ảnh: Tg.L

Nằm ngay trung tâm quận 3 (đường Trần Quốc Thảo, phường 9), BV Tai - Mũi - Họng là BV chuyên khoa hàng đầu và duy nhất về tai - mũi - họng của TPHCM đã có “thâm niên” hoạt động vài chục năm nay. Từ 100 giường bệnh năm 2002, đến nay nhu cầu của BV đã vượt mức 200 giường do lượng bệnh nhân ngày một tăng lên.

Hiện mỗi ngày BV phải khám và điều trị cho hơn 1.400 bệnh nhân, trong đó gần 300 bệnh nhân được yêu cầu điều trị nội trú, nhưng vì cơ sở chật hẹp nên mới kê chỉ được 14 bàn khám và đang thiếu giường nội trú nghiêm trọng. Cảnh kê thêm giường ngoài hành lang, mỗi giường ít nhất có 2 bệnh nhân diễn ra hàng ngày ở BV.

BS Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc BV, không khỏi bức xúc vì từ nhiều năm qua BV đã xuống cấp và quá tải trầm trọng. “Chúng tôi muốn phục vụ tốt cho bệnh nhân, muốn mở thêm các khoa phòng kỹ thuật cao nữa nhưng dự án mở rộng vẫn chưa đi đến đâu”. Từ năm 2003 - 2004, xuất phát từ nhu cầu phát triển, lãnh đạo BV Tai - Mũi - Họng đã lập dự án cải tạo, mở rộng khu khám và điều trị ngoại trú sang phần đất ở số 157 Trần Quốc Thảo. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được duyệt giá đền bù giải tỏa và đang nằm trong danh mục dự án ngừng triển khai trong năm 2008 của UBND TPHCM.

Cùng chung cảnh ngộ với một số BV nằm trong nội thành khác, BV Chấn thương chỉnh hình (Trần Hưng Đạo, quận 5) đang phải gồng mình để khám và điều trị từ 2.000 - 2.500 bệnh nhân/ngày. Với thiết kế trước đây chỉ phục vụ cho khoảng 100 bệnh nhân, nhưng nhu cầu ngày càng tăng, BV đã cơi nới lên tới 450 giường. BS Trần Thanh Mỹ, Giám đốc BV, không khỏi ngậm ngùi: “Sáng nào cũng vậy, nhất là đầu tuần, bệnh nhân nằm ngồi la liệt khắp khuôn viên BV, không còn chỗ cho xe đẩy bệnh nhân.

Thiệt đúng, BV đã như cái áo rách, vá víu mãi cũng không xong”. Từ năm 2004, TP có chủ trương xây dựng khu y tế kỹ thuật cao tại quận Bình Tân và cho phép một số BV công, trong đó có BV Chấn thương chỉnh hình xây dựng dự án cơ sở 2 tại đây. “Cứ tưởng rằng thế là ổn và chậm nhất là trong năm 2008 sẽ triển khai xây dựng nhưng cuối cùng lại mừng… hụt”, BS Mỹ cho biết. Lý do là tháng 12-2007, UBND TP đã đồng ý về chủ trương cho phép Công ty Shangri-La Healthcare Investment Co.Ltd (Singapore) lập dự án đầu tư xây dựng khu y tế kỹ thuật cao tại quận Bình Tân và giao Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND quận Bình Tân tìm quỹ đất khác cho các BV công thuộc Sở Y tế xây dựng cơ sở mới…

Mặt bằng xây dựng cơ sở 2, kiếm đỏ con mắt

Từ điều trị dưới 1.000 bệnh nhân nội trú cách nay 3 năm, hiện mỗi tuần BV Ung bướu (quận Bình Thạnh) đã lên tới 1.600 - 1.700 bệnh nhân, còn ngoại trú lên đến con số ngấp nghé 8.000 bệnh nhân. Trong đó, chiếm tới hơn 50% là bệnh nhân từ các tỉnh. Câu chuyện quá tải đã trở thành quen thuộc khi nhắc đến BV Ung bướu nhưng để tìm ra cách giải quyết căn cơ thì theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV cho biết, chỉ có thể là xây dựng cơ sở 2.

Tuy vậy, khi nào được giao đất (mặt bằng), khi nào duyệt dự án xây dựng cơ sở 2 thì BS Minh chưa biết được. Năm 2007, BV Ung bướu đã đề xuất được sớm xây dựng cơ sở 2 ở ngoại thành theo đúng chủ trương của UBND TP nhưng đến nay vẫn chưa có sự chấp thuận nào từ phía các cơ quan chức năng. “Giữa tháng 8 vừa qua đã có cuộc họp với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở ngành liên quan bàn về khu đất 6ha ở quận 9 giao cho BV xây dựng cơ sở 2 nhưng vẫn chưa đi đến đâu”, BS Minh cho biết.

Theo BS Minh, sau khi được giao đất sẽ ký hợp đồng tư vấn xây dựng với quy mô 1.000 giường bệnh và mọi việc suôn sẻ thì phải đến năm 2011 mới khởi công được. Tương tự, BV Bình Dân (Điện Biên Phủ, quận 3) cũng đang xúc tiến xây dựng cơ sở 2 ở ngoại thành nhưng đến nay vẫn chưa đi đến đâu. Dù biết rằng, mỗi ngày còn phải chịu áp lực quá tải, cơ sở chật hẹp, không đủ điều kiện phục vụ là mỗi ngày thiệt thòi cho bệnh nhân và hạn chế hiệu quả chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhưng BS Nguyễn Chí Hùng, Giám đốc BV, cho biết đang gặp nhiều vướng mắc để hiện thực hóa dự án xây dựng cơ sở 2. Trong đó, vướng mắc về mặt bằng là điều cốt lõi.

Cơ chế đầu tư, lần chưa ra

Phải khẳng định rằng, chủ trương đầu tư xây dựng các cơ sở y tế ngoại thành là phù hợp trong điều kiện hiện nay của TP nhằm hạn chế ùn tắc giao thông cho nội thành. Đồng thời hình thành một mạng lưới y tế cơ sở phủ đều và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân TP cũng như ngoại tỉnh. Tuy nhiên, theo BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế, bên cạnh mặt bằng đất đai, phương thức đầu tư mới là mấu chốt. Hiện có thể hình dung ra 3 phương thức, đó là từ nguồn ngân sách nhà nước, liên danh liên kết và xã hội hóa. Theo BS Châu, ngân sách Nhà nước thì khó khả thi bởi Chính phủ đang hạn chế chi tiêu từ nguồn tiền này.

Nhưng nếu liên danh, liên kết hoặc xã hội hóa thì uy tín, y hiệu của BV được tính ra sao cho phù hợp. Nếu nói y hiệu của BV có giá trị trong liên danh liên kết hoặc xã hội hóa là 20% trên tổng vốn đầu tư thì dựa vào cơ sở nào để tính ra 20% đó. Đây là khúc mắc cần phải nghiên cứu để có lời giải phù hợp. Tuy nhiên, BS Châu vẫn hy vọng TP sẽ có lựa chọn phương án thích hợp nhất. Còn theo BS Lê Hoàng Minh, Giám đốc BV Ung bướu, mặc dù ráo riết xúc tiến xây dựng cơ sở 2 nhưng cũng chưa hình dung ra được sẽ đầu tư theo phương thức nào. “Đầu tư bằng ngân sách thì dễ tính rồi nhưng liệu Nhà nước có mạnh dạn chi, còn liên danh, liên kết hay xã hội hóa còn phải bàn luận thêm”, BS Minh phân vân. 

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục