Gian nan hàng Việt vào siêu thị

Đưa hàng vào siêu thị luôn là vấn đề nóng bỏng với đại đa số các doanh nghiệp (DN). Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì nhiều sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng tốt cũng trở nên “chông chênh” trên các quầy kệ, chứ đừng nói tới việc dành chỗ cho DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp. Người tiêu dùng chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi từ thực tế này. Tại sao?
Một gian hàng bán hàng Việt tại trung tâm thương mại Aeon. Ảnh: CAO THĂNG
Một gian hàng bán hàng Việt tại trung tâm thương mại Aeon. Ảnh: CAO THĂNG

Khổ trăm đường! 

Gần đây, Bộ Công thương, các sở ngành TPHCM phối hợp với các nhà phân phối tổ chức hàng loạt hội thảo, diễn đàn, hội nghị kết nối cung cầu nhằm tăng cường trao đổi, tạo điều kiện cho DN xuất khẩu và đưa hàng vào hệ thống siêu thị tại thành phố. Nhưng theo nhiều DN, tham gia cho vui vậy thôi, chứ để đưa hàng vào hệ thống siêu thị là điều không hề dễ dàng. 

Gặp chị Hoàng Thu Yến, chủ DN cùng tên hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm chế biến, chị than rằng gần một năm nay DN đã dồn mọi nguồn lực và ngược xuôi tham gia các hội chợ, hội nghị. Sản phẩm của công ty như yaourt yến, yến tươi, yến tinh chế hiện đã đưa vào một số nhà hàng, khách sạn và được khách hàng đánh giá cao. Tuy nhiên, để mở rộng quy mô sản xuất, tạo công ăn việc làm cho những thành viên trong các tổ hợp tác thì DN phải tìm đến các kênh phân phối khác, đặc biệt là hệ thống siêu thị. Đến nay, Hoàng Thu Yến đã đăng ký làm việc với 3 hệ thống phân phối lớn nhất tại TPHCM và tham gia hàng chục hội nghị kết nối, nhưng kết quả vẫn chỉ là lời hẹn suông!

Theo tính toán của chị Yến, để vào được siêu thị, cầm chắc là DN phải chịu lỗ, vì bên cạnh mức chiết khấu lên tới 30% doanh thu bán hàng, DN còn phải tham gia phí quầy kệ, mở mã, thực hiện các chương trình khuyến mãi…

Trung bình, tổng chi phí cho việc bán hàng trong siêu thị vào khoảng 50% - 55% doanh thu bán hàng, trong khi nếu bán vào hệ thống nhà hàng, khách sạn thì chi phí và chiết khấu chỉ khoảng 20%.

Tổng giám đốc một công ty chuyên cung cấp một số mặt hàng đặc sản vào nhiều hệ thống siêu thị cũng cho biết không hài lòng về mối quan hệ theo kiểu “xin cho”.

Trên thực tế, người đứng đầu tại nhiều hệ thống phân phối rất cởi mở nhưng khi xuống đến nhân viên, cách hành xử có phân biệt. Cùng một sản phẩm, đơn vị này có thể đưa vào nhưng DN khác thì bị áp đặt những tiêu chí rất ngặt nghèo, khiến họ nản lòng. Bản thân các hệ thống phân phối phải làm việc lại với chính cấp dưới của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tiếp cận bình đẳng. Trong quá trình hợp tác, các siêu thị cần chấm điểm cho các nhà cung cấp, cần cải tiến phương thức thanh toán từ ký gửi sang “mua đứt, bán đoạn” để tạo điều kiện cho DN đầu tư, nâng cấp và phát triển sản phẩm mới.

Cần đa dạng kênh phân phối

Việc đưa hàng vào siêu thị vốn đã khó, nhưng ngay cả các DN đã và đang có sản phẩm trên quầy kệ cũng khó có thể tồn tại trong tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt. Phó tổng giám đốc phụ trách mua của một hệ thống siêu thị cho biết, ở ngành hàng hóa mỹ phẩm, các DN đa quốc gia tổ chức thường xuyên các đợt khuyến mãi lớn. Toàn bộ chi phí khuyến mãi là do nhà cung cấp chịu. Với cách làm này, các DN Việt vốn đã yếu thì ngày càng khó khăn hơn.

“Trong suốt gần 20 năm tôi phụ trách bộ phận mua, sản phẩm của một DN hàng đầu trong nước vẫn chỉ gói gọn 1 - 2 mặt hàng, không có bất cứ hoạt động khuyến mãi nào. Trong khi đó, hầu hết các nhóm hàng trong siêu thị, nếu không thực hiện khuyến mãi sẽ không bán được hàng. Hàng không bán được sẽ bị co cụm và rớt khỏi quầy kệ, thương hiệu sẽ bị người tiêu dùng lãng quên dần. Đây là thực tế rất đáng lo ngại với đại đa số DN Việt”, vị này cho biết. 

Trước áp lực về giá thành, chiết khấu, nhiều DN cho biết họ cũng lên phương án để đa dạng hóa kênh bán hàng, nhằm tránh lệ thuộc vào siêu thị. Theo số liệu thống kê của một trung tâm nghiên cứu, bình quân người mua hàng tại Việt Nam thường tới 6 - 7 kênh mua hàng/năm, nên khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm của DN tại nhiều nơi. Do vậy, DN không nên phụ thuộc vào một kênh nào, tất nhiên trong cùng một kênh, càng không thể phụ thuộc vào một nhà bán lẻ.

Nếu đa dạng hóa kênh phân phối, DN sẽ không phải chịu áp lực lớn về việc phải chi nhiều tiền duy trì một giải pháp bán hàng tốn kém, đầy rủi ro khi làm việc với những nhà bán lẻ. Ngược lại, có thể sử dụng lợi thế đa kênh để gây áp lực ngược trên bàn đàm phán. Bài học từ Công ty Saigon Food cho thấy, sau khi thiết lập được mạng lưới bán hàng dựa trên kênh phân phối truyền thống, doanh thu của DN này đã tăng tới 30%. 

Để giải quyết bài toán cung cầu hàng hóa, Nhà nước cần nhanh chóng đầu tư thỏa đáng để phát triển hệ thống phân phối, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại nội địa, tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển. Thực tế chỉ ra rằng, thời của các DN “sống” bằng xuất khẩu đang qua đi, thay vào đó là thị trường trong nước hơn 90 triệu dân, với rất nhiều tiềm năng về sức mua, trở thành “phao cứu sinh” cho nhiều DN trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị co lại.

Đưa hàng vào siêu thị rất khó, chiết khấu cao, nhưng tại sao các DN vẫn phải làm? Theo lý giải của nhiều DN, vì đây là kênh phân phối hiện đại. Hàng hóa vào được kênh này cũng đồng nghĩa đã chứng minh được chất lượng và độ an toàn. Cũng có một thực tế, khi đưa hàng đến các điểm phân phối truyền thống (như chợ và cửa hàng tạp hóa), câu đầu tiên các chủ điểm bán hỏi là “hàng này đã vào siêu thị được chưa”. Nếu vào được thì họ nhận bán, còn chưa thì phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục.

Tin cùng chuyên mục